Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ khởi sắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu tăng trưởng tại các nhà máy và việc ngân hàng trung ương duy trì các biện pháp nới lỏng tiền tệ là nguyên nhân chính giúp chỉ số S&P 500 tăng mạnh trong phiên.

Toàn bộ 10 nhóm ngành cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đóng cửa với sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất là các nhóm cổ phiếu tài chính, công nghiệp và tiêu dùng. Chỉ số Dow Jones vận tải tăng vọt 3,2%.

Tiếp thêm cho sự hứng khởi trên còn là số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ, theo đó cho biết hoạt động công nghiệp của nước này trong tháng Bảy vừa qua cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2011 và cao hơn dự đoán của giới chuyên gia.

 
Chứng khoán Mỹ khởi sắc - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Một loạt báo cáo kết quả lợi nhuận khả quan và cao hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp lớn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán từ Mỹ qua châu Á, đến châu Âu; trong đó có những tên tuổi lớn như Sony, Sharp, Bank of America, JPMorgan Chase, American Express, ExxonMobil, Procter & Gamble, Chesapeake Energy, General Motors, Ford, Societe Generale và Lloyds Banking Group...

Những thông tin tốt đẹp trên cũng đã khiến chứng khoán Phố Wall "dậy sóng" trong phiên trước (1/8), trong đó chỉ số S&P 500 thiết lập kỷ lục cao mọi thời đại mới.

Chốt phiên giao dịch ngày 1/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 128,48 điểm, tương ứng với mức 0,83%, lên mốc cao kỷ lục mới là 15.628,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,14 điểm, tương ứng với mức 1,25%, lên mốc cao mọi thời đại ở 1.706,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,37 điểm, tương ứng 1,36% lên mức cao nhất trong 13 năm là 3.675,74 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường bùng nổ với khoảng 6,89 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,4 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Số mã tăng điểm vượt trội số giảm điểm trên sàn giao dịch chứng khoán New York với tỷ lệ 1,6/1, còn trên sàn giao dịch Nasdaq, tỷ lệ này là 2,6/1.