Đêm 21/2 tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng có một phiên đi xuống, chủ yếu do số liệu yếu kém của lĩnh vực chế tạo Mỹ cũng như sự sụt giảm mạnh của chỉ số quản lý sức mua (PMI) ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - dấu hiệu cho thấy suy thoái vẫn tiếp tục hoành hành tại khu vực này.
Cụ thể, chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 46,92 điểm, tương ứng với 0,34%, xuống còn 13.880,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,53 điểm, tương ứng với 0,63%, xuống còn 1.502,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,92 điểm, tương ứng với 1,04%, xuống còn 3.131,49 điểm. Trong đó, đáng chú ý, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,8% sau 2 phiên vừa qua và hiện đang tiệm cận với ngưỡng cản 1.500 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng vọt, với khoảng 7,64 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình trong vòng 20 ngày qua là 6,6 tỷ cổ phiếu và mức trung bình hàng ngày 6,48 tỷ cổ phiếu của năm 2012. Tỷ lệ cổ phiếu giảm điểm/ tăng điểm ở cả hai sàn New York và Nasdaq là 2/1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo thông báo cùng ngày tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã tăng mạnh hơn so với dự báo của giới phân tích, gây ra lo lắng về triển vọng của nền kinh tế Mỹ nói chung. Bên cạnh đó Cục Dự trữ Liên bang khu vực Philadelphia cũng công bố, chỉ số các điều kiện kinh doanh khu vực Trung Đại Tây Dương của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ khi giới đầu tư lo ngại FED có khả năng chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu cùng những số liệu xấu về hoạt động kinh doanh tại Khu vực Eurozone.
Đóng cửa phiên 21/2, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của London mất 1,62% xuống 6.291,54 điểm. Trước đó, trong phiên 20/2, chỉ số này đã lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua vượt qua ngưỡng 6.400 điểm trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế xứ sở Sương mù. Tại Đức, DAX 30 tuột dốc 1,88% xuống 7.583,57 điểm trong khi tại Pháp, CAC 40 trượt 2,29% về 3.624,80 điểm./.
Tại châu Âu, các chỉ số hoạt động kinh doanh cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu khó có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái trong tương lai gần, khi hoạt động kinh doanh của khối này đã giảm mạnh không ngờ trong tháng 2. Các chuyên gia phân tích thị trường cho biết, các số liệu liên quan tới chỉ số quản lý sức mua (PMI) thực sự đã nhấn chìm những hy vọng về đà hồi phục của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong ngày.
Nối tiếp đà giảm phiên trước trên các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu, chứng khoán châu Á mở cửa phiên ngày 22/2 cũng đồng loạt nhuộm trong sắc đỏ, với cả ba chỉ số chính của khu vực là Shanghai Composite của Thượng Hải, Hang Seng của Hong Kong và Nikkei 225 của Nhật Bản đều mất điểm ngay từ những phút đầu tiên, lần lượt ở các mức -0,17%; -0,29% và -0,50%.