Sau khi khép lại tuần trước với mức tăng ấn tượng, chứng khoán Mỹ lại khởi động tuần mới (ngày 28/1) với diễn biến trồi sụt bất nhất, bất chấp số liệu về hoạt động sản xuất các mặt hàng lâu bền đáng khích lệ của Mỹ và báo cáo kinh doanh tích cực của tập đoàn Caterpillar.
Đóng cửa phiên giao dịch 28/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 14,05 điểm, tương ứng 0,1%, còn 13.881,93 điểm. S&P 500 hạ 2,78 điểm, tương ứng 0,18%, còn 1.500,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,59 điểm, tương ứng 0,15%, lên mức 3.154,30 điểm.
Phiên hôm qua, cổ phiếu của hãng công nghệ Apple tăng được 2,3% lên 449,83 USD. Nhờ đó, hãng sản xuất điện thoại iPhone lại giành được ngôi vị công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất ở Mỹ từ ExxonMobil. Tuần trước, giá trị cổ phiếu Apple giảm tới 14,4%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Một cổ phiếu khác cũng gây được sự chú ý của giới đầu tư trong ngày giao dịch 28/1 là Caterpillar. Sau khi giảm 2,2% trong ba phiên liên tiếp trước đó, hôm qua, giá cổ phiếu này đã tăng được 2%. Sự đi lên của cổ phiếu này đã góp phần hạn chế đà giảm của Dow Jones.
Về số liệu doanh nghiệp, theo thống kê của Thomson Reuters, tính tới nay đã có 150 công ty thuộc S&P 500 công bố báo cáo kinh doanh quý 4. Trong đó có tới 67,3% công ty có doanh số vượt kỳ vọng của giới phân tích, cao hơn bình quân 4 quý vừa qua và bình quân từ 1994.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 6,1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 6,42 tỷ cổ phiếu năm 2012. Số cổ phiếu giảm/ tăng ở sàn New York là 4/3, sàn Nasdaq là 5/7.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng giá trị số đơn đặt hàng các mặt hàng lâu bền của nước này như ôtô, máy giặt, tủ lạnh... trong tháng 12/2012 đã vọt lên mức 230,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước đó. Con số này đã vượt xa dự báo của giới phân tích là chỉ tăng 1,6%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, xu hướng tăng giảm trái chiều cũng diễn ra tại hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu, khi giới đầu tư vẫn cảm thấy bất an về tình hình tài chính và lĩnh vực ngân hàng tại khu vực này.
Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,16%, lên 6.294,41 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 0,07%, lên 3.780,89 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 lại giảm 0,32%, đóng cửa ở mức 7.833 điểm.
Sang tới đầu phiên giao dịch ngày 29/1 tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng dao động ngược chiều. Diễn biến ảm đạm của Phố Wall trong phiên trước và đà suy giảm của đồng yen chững lại đã khiến chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm tới 73,30 điểm (0,94%), xuống 10.751,01 điểm.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng mất 12,77 điểm, xuống 23.659,11 điểm, do hoạt động mua vào đã bắt đầu thoái trào sau khi chỉ số này vọt lên mức cao nhất trong vòng 21 tháng qua vào phiên trước.
Còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại chỉ "nhích" 0,74 điểm (0,03%), xuống 2.347,25 điểm./.