Đêm trước (15/8) tại Mỹ, Phố Wall "lình xình" phiên thứ hai liên tiếp khi các số liệu mới công bố chưa cho thấy bức tranh sáng sủa hơn về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Trong phiên này, các nhà đầu tư Phố Wall đón nhận một số chỉ số kinh tế tháng 7 khá tốt như lạm phát hầu như đi ngang, sản lượng công nghiệp tăng nhẹ 0,6% so với tháng 6 và hoạt động xây nhà cũng nhộn nhịp hơn.
Cho dù có những ý kiến trái chiều về bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch FED thì giới đầu tư vẫn không nản lòng. Tâm lý chờ đợi đã khiến thị trường chứng khoán gần như không có sóng.
Chốt phiên 15/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,06%, chỉ số S&P 500 tăng 0,11%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,46%.
Hình minh họa.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng phần lớn đi xuống trong bối cảnh các thị trường châu Á hầu hết giảm điểm trước đó.
Theo các nhà phân tích, thị trường châu Âu hiện không hào hứng như thông lệ thường thấy trong các tháng 8 hàng năm. Có thể là do các nhà đầu tư hiện đang có tâm lý khá thận trọng và đang chờ đợi thêm các động thái tiếp theo của Khu vực Eurozone trong những tuần tới để có hành động thích hợp.
Đóng cửa phiên 15/8, FTSE 100 của Anh giảm 0,54% xuống 5.833,04 điểm; DAX 30 của Đức trượt 0,40% xuống 6.946,80 điểm trong khi CAC 40 của Pháp lùi nhẹ 0,03% về 3.449,20 điểm.
Sau khi đã giảm trên phần lớn các sàn chủ chốt trong phiên 15/8, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 16/8 hầu hết đã đảo chiều đi lên.
Tại Hong Kong và Nhật Bản, hai chỉ số Hang Seng và Nikkei 225 đều tăng nhẹ lần lượt là 53,73 điểm (0,27%) và 42,07 điểm (0,47%) lên các mức tương ứng là 20.106,02 điểm và 8.967,11 điểm.
Song tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite mở cửa lại để mất ngay 0,14% xuống 2.116,08 điểm.