Thị trường chứng khoán Mỹ vừa khép lại phiên giao dịch ngày 10/1 với sự đi lên của cả ba chỉ số chính, sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng xuất khẩu vượt kỳ vọng của giới phân tích.
Chứng khoán Phố Wall tiếp tục đi lên phiên thứ hai liên tiếp khi nhà đầu tư đón nhận thông tin tốt về thương mại của Trung Quốc, cùng nhận định của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phục hồi dần vào cuối năm 2013.
Chốt phiên giao dịch 10/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng được 80,71 điểm, tương ứng 0,6%, lên 13.471,22 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 11,10 điểm, tương ứng 0,76%, lên 1.472,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 15,95 điểm, tương ứng 0,51%, lên chốt ở 3.121,76 điểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số S&P 500 hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và chỉ thấp hơn 6% so với mức chốt cao nhất mọi thời đại 1.565,15 điểm xác lập tháng 10/2007.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức khá cao, với khoảng 6,77 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,42 tỷ cổ phiếu năm 2012. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm giá ở sàn New York là 1.916/ 1.039.
Trong số các cổ phiếu tăng điểm, được chú ý nhiều nhất là cổ phiếu của ngân hàng Bank of America tăng tới 3,1% lên 11,78 USD, Morgan Stanley tăng 3,7% lên 20,34 USD. Ở chiều giảm giá, cổ phiếu của hãng Tiffany giảm tới 4,5%, xuống còn 60,40 USD.
Bên kia Bờ Đại Tây Dương, tại thị trường châu Âu, các thị trường chứng khoán trong khu vực lại biến động trái chiều, chủ yếu là do quyết định giữ nguyên lãi suất của ECB và của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sau cuộc họp mới nhất của các ngân hàng này.
Tuy nhiên, đà giảm không đáng kể do đồng euro lại phục hồi so với đồng USD, nhờ thành công của các đợt bán đấu giá trái phiếu chính phủ ở hai thành viên nợ nần của Khu vực Eurozone là Tây Ban Nha và Italy.
Đóng cửa phiên 10/1, hai trong số ba chỉ số chính của khu vực giảm nhẹ, trong đó FTSE 100 của Anh nhích nhẹ 0,05% lên 6.101,51 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 5/2008; DAX 30 của Đức lùi 0,16% về 7.708,47 điểm và CAC 40 của Pháp tụt 0,39% xuống 3.703,12 điểm.
Sau phiên tăng điểm tưng bừng hôm trước nhờ yếu tố Trung Quốc (thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng kỷ lục trong năm 2012), chứng khoán châu Á mở cửa phiên 11/1 lại tăng giảm trái chiều.
Tại Thượng Hải, các cổ phiếu Trung Quốc mở cửa phiên để mất ngay 0,15% sau khi chính phủ nước này cho biết lạm phát đã tăng trở lại trong tháng 12/2012, lên mức 2,5% so với cùng kỳ năm 2011 (trong khi tháng 11 chỉ tăng 2,0% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2012, lạm phát tại Trung Quốc chỉ tăng 2,6% so với năm 2011, chậm lại rất nhiều so với mức tăng 5,4% của năm 2011.
Trái với thị trường Thượng Hải, hai thị trường chủ chốt khác là Nhật Bản và Hong Kong vẫn giữ được đà tăng khi lần lượt tiến thêm 0,33% và 1,25%.
Tại Nhật Bản, đồng yên tiếp tục yếu đi cùng kỳ vọng về các chương trình nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương khiến thị trường cổ phiếu ở đất nước Mặt Trời mọc này vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng liên tục từ nhiều phiên trở lại đây.
Phiên này, nhà đầu tư Nhật Bản còn rất phấn khích khi trong ngày hôm nay, chính quyền của tân Thủ tướng Shinzo Abe chính thức công bố gói ngân sách bổ sung trị giá 20.000 tỷ yen (225 tỷ USD) nhằm thổi sức sống vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng như tái thiết các khu vực bị trận động đất, sóng thần hồi năm 2011 tàn phá và củng cố quân đội.