Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán quý II: Đòi hỏi bản lĩnh của nhà đầu tư

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quý I/2020 được thống kê chỉ đứng sau sự sụt giảm vào năm 2008, thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Với mức giá hấp dẫn của nhiều cổ phiếu sau hàng thập kỷ và diễn biến phục hồi đầu tuần này, câu hỏi đặt ra là cơ hội đã đến với các nhà đầu tư?

Nhà đầu tư tham khảo tại thị trường chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Duy Anh
Sụt giảm kỷ lục
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 3, chỉ số VN-Index đóng cửa đạt 662,53 điểm, giảm 31,06% so với đầu năm. Đây là quý ghi nhận mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% của quý I/2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Vốn hóa các DN niêm yết trên HoSE bị "thổi bay" hơn 970.000 tỷ đồng. Tại mức điểm này, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 9,8 lần, thấp nhất trong vòng 5 năm. Tâm lý thị trường nặng nề còn đến từ việc trong quý I khối ngoại bán ròng hơn 8.700 tỷ đồng. Đây là quý bán ròng lớn nhất của khối ngoại trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay.
Ngược với diễn biến trên, giá cổ phiếu xuống thấp đã kích thích nhiều DN có nguồn tiền, các nhà đầu tư lớn, các lãnh đạo công ty đăng ký mua vào cổ phiếu, ước tính số tiền lên tới trên 4.000 tỷ đồng. Khối tự doanh công ty chứng khoán mua vào. Và đặc biệt từ cuối tháng 3, nhiều DN bắt đầu công bố trả cổ tức bằng tiền mặt, cũng là những động lực tốt hỗ trợ cho thị trường. Sau những phiên giảm mạnh, thị trường có những phiên tăng trở lại khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) đỡ tiêu cực và có điểm tựa phần nào. 
Đi tìm giá trị 
Một động thái được thị trường chú ý gần đây là Công ty TNHH Đầu tư SIC (công ty 100% vốn của SCIC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu FPT. Trên thực tế, đây là DN được cấp vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, có chức năng đầu tư mua bán cổ phiếu, đầu tư tài chính trên thị trường. Chính vì vậy, NĐT vẫn rất thận trọng bởi tiền đầu tư là tiền Nhà nước. SIC mua vào cổ phiếu cho thấy một tín hiệu, khi đặt các yếu tố lên bàn cân, yếu tố an toàn với cổ phiếu FPT có sức nặng nhiều hơn.
Với công ty mẹ của SIC là SCIC thì sao? Còn nhớ trong đợt thị trường khủng hoảng vào những năm 2008 - 2009, SCIC được sự chấp nhận của Chính phủ đã thực hiện một đợt mua vào cổ phiếu ở mức giá thấp. Từng mã cổ phiếu được mua không được công bố để tránh ảnh hưởng tới thị trường. Tuy nhiên, động thái này đã tiếp thêm lực cho chứng khoán, trong nhiều bản tin của nhiều công ty chứng khoán khi đó, đề cập đến diễn biến tích cực của thị trường trong một số phiên đã mô tả “nhờ tác động SCIC mua vào”. Lãnh đạo SCIC sau này trong một số cuộc họp khi được giới báo chí tài chính đặt câu hỏi về đợt đầu tư đó đã không chia sẻ nhiều nhưng tiết lộ đó là khoản “đầu tư có lãi”. Còn lần này thì sao?
Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 được SCIC công bố, SCIC sở hữu tiền và đầu tư ngắn hạn là 31.658,4 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng tài sản. Đây là nguồn lực lớn nếu NĐT của Chính phủ có động thái hỗ trợ thị trường, tạo vốn mồi cho các dòng tiền nhàn rỗi đang tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Một yếu tố nữa giúp hỗ trợ thị trường vẫn là làn sóng đăng ký mua vào của các cổ đông lớn. Đơn cử mới đây, NĐT ngoại là Tập đoàn F&N đăng ký mua vào tới 17,5 triệu cổ phiếu VNM; bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch VNM cũng đăng ký mua vào cổ phiếu này...
Trong thư gửi tới các NĐT mới đây, lãnh đạo VinaCapital cho biết, quỹ này cũng như một số quỹ khác như PYN đã chọn dịp này để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Các cổ phiếu của DN đầu ngành, DN có nền tảng cơ bản tốt, có khả năng bật mạnh trở lại sau đại dịch được nhìn nhận sẽ là những cơ hội đáng chú ý với các NĐT.
Không dễ để đoán được thị trường tới đây sẽ diễn biến ra sao vì chưa thể trả lời được bao giờ đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế trên toàn cầu. Vào ngày giao dịch đầu tiên trong tuần này, VN-Index tăng điểm lần thứ 4 liên tiếp sau khi tạo đáy tại vùng giá 650 điểm. Có những cổ phiếu dư mua vẫn lớn nhưng một số lại có dư mua ít dần. Điều này cho thấy khả năng sẽ có sự phân hóa vào những phiên sau. Rất có thể trong các phiên giao dịch tới, cung lớn lại xuất hiện, đẩy điểm số đi xuống. Bởi thế, NĐT nếu bỏ tiền vào thị trường thời điểm này sẽ cần đến sự bản lĩnh để theo đuổi cuộc chơi và đầu tư đường dài.
Trưởng phòng Phân tích CTCK Rồng Việt Hoàng Thạch Lân