|
Thị trừng chứng khoán VN khởi sắc. |
Phiên giao dịch hôm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm mạnh trên 73 điểm, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử của TTCK từ trước đến nay. Thị trường đã bốc hơi trên 11,7 tỷ USD vốn hoá thị trường. Chỉ số VN-Index kết thúc phiên hôm qua đã giảm 17% so với thời điểm chạm mốc 1.200 điểm vào đầu tháng 1. Trong phiên hôm qua, khi nhà đầu tư (NĐT) trong nước ồ ạt bán ra ở mức giá sàn, thì nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lại mua ròng. Nhóm cổ phiếu được NĐTNN mua ròng nhiều nhất là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Ngay sau phiên giao dịch chiều qua, nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam được định giá cao hơn, trong khi đó các chính sách vĩ mô tiếp tục hỗ trợ TTCK, tình hình kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tốt, không tác động xấu đến TTCK. Do đó việc bán tháo bởi các nhà đầu tư F0 đã nóng vội khi đón nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, TTCK vẫn chịu áp lực bán tăng nhẹ, do đó chỉ số VN-Index rung lắc quanh tham chiếu khoảng 1 giờ giao dịch. Sau đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhất là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn trên sàn HOSE đã tăng mạnh đã giúp VN-Index vào thời điểm 11 giờ tăng trên 42 điểm. Trên sàn HOSE có đến gần 400 mã tăng, trong đó có lúc đến 50 mã tăng trần. Nhóm cổ phiếu VN30 tăng mạnh nhất có FPT, VIC, VCB, KDH có lúc lên trần. Các mã tăng trên 6% còn có VJC, VNM, TCB, VPB.
Chốt phiên sáng nhóm VN30 đều hạ độ cao nhưng vẫn tăng tốt. Cụ thể, FPT tăng 6,8%; VIC tăng 6,6%; VCB tăng 6,5%; TCB còn tăng 5,4%; NVL tăng 5,5%; các mã tăng trên 4% là VJC, STB, CTG; nhóm tăng từ 2% đến dưới 4% có BID, GAS, HDB, HPG, MSN, MWG, PNJ, PLX, REE, SAB, SSI, TCH …
Nhóm này chỉ có EIB đầu phiên tăng, nhưng đóng cửa giảm 3,3%; SBT cũng giảm tương tự. Còn ROS giảm sàn kéo từ đầu phiên đến khi kết phiên mất 6,9%.
Kết phiên sáng, sàn HOSE với 341 mã tăng, trong đó 30 mã tăng trần, có 114 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 31,64 điểm, tương đương tăng 3,09% lên mức 1.055,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 664,6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 14.618,9 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với sáng qua.
Theo phân tích kỹ thuật, mặc dù định giá của thị trường chứng khoán trong hiện tại đã khá rẻ, nhưng với thông tin Covid-19 thì định giá vẫn còn có thể rẻ hơn.
Công cụ chiến lược phân bổ vốn đã bắt đầu cho tín hiệu mua tăng 33% NĐT có thể giải ngân theo tỷ lệ này và chờ đợi tín hiệu để giải ngân phần tiếp theo. Nhóm BĐS, Dầu khí và Tiêu dùng không thiết yếu đang có động lực tăng trưởng tốt; trong khi nhóm chứng khoán đã đi về vùng giá rẻ sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua. Vì vậy, NĐT nên tập trung vào các nhóm cổ phiếu này.