Đóng cửu phiên giao dịch cuối ngày 23/3, chỉ số Straits Times Index (STI) giảm 0,07% và dừng ở mức 3.410,13 điểm. Toàn thị trường có 950 triệu cổ phiếu được giao dịch với trị giá 957,6 triệu SGD (khoảng 800 triệu USD); trong đó có 218 mã tăng điểm và 186 mã giảm điểm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng bất kỳ tác động nào lên thị trường chứng khoán của Singapore cũng sẽ bị giới hạn và các nhà đầu tư đều đã được chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
"Nó dường như không phản ứng với những tin tức," một đại lý môi giới chứng khoán cho biết. "Thị trường đã có khá nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc ra đi của ông Lý Quang Diệu và ngay bây giờ, nó có những lo ngại cấp bách hơn như lãi suất ở Mỹ tăng cao và thanh khoản thấp."
Tuy nhiên nhiều người cũng nhìn nhận chính sự ổn định của thị trường chứng khoán Singapore là minh chứng cho sức mạnh của chính sách thị trường thân thiện mà ông Lý Quang Diệu đã thực hiện.
Giám đốc điều hành Ngân hàng DBS Piyush Gupta cho biết thị trường tài chính của Đảo quốc Sư tử được phát triển trên một nền tảng vững chắc và đó là một điểm sáng tạo nên đất nước Singapore phát triển mạnh mẽ.
"Thị trường chứng khoán ở Singapore rất phát triển và có tính thanh khoản cao, với các quy định và cách thức quản lý theo chuẩn mực quốc tế. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng một quốc gia bình thường có thể trong tình trạng báo động khi gặp các ‘con sóng’ lớn nhưng tại Singapore mọi việc khá suôn sẻ," ông nói.
Nhiều chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính của Singapore nói chung đã phát triển ở một trình độ cao nhờ sự minh bạch, kiên quyết chống tham nhũng của chính phủ. Nhờ vậy, hệ thống tài chính có thể chịu đựng được những cú sốc và tiếp tục duy trì là một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới như điều mà ông Lý Quang Diệu từng mong./.