Chứng khoán tháng 5: Sau sóng gió là bình yên?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) trải qua giai đoạn sóng gió, khi các chỉ số liên tục giảm sâu trước những động thái mạnh tay với hành vi thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trạng thái cân bằng sẽ dần được lấy lại khi tính minh bạch thị trường tốt hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

5 tuần liên tục ''đỏ lửa''

Đến thời điểm hiện tại, TTCK đã trải qua 5 tuần liên tục đi xuống với mức giảm khá mạnh. Thanh khoản suy giảm, lực cầu yếu. Trước đó, lần gần nhất thị trường ghi nhận đà ''đỏ lửa'' liên tục 5 lần là từ tháng 7/2018.

Kết thúc tuần giao dịch từ 2/5 - 6/5, VN-Index giảm 37,54 điểm (-2,7%) xuống 1.329,26 điểm, HNX-Index giảm 22,37 điểm (-6,1%) xuống 343,46 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 47,8% so với tuần trước với 46.816 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 47,5% xuống 1.623 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 52,9% so với tuần trước đó với 4.855 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 53,7% xuống 210 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có mức giảm mạnh nhất, 5,1% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành thép như HPG (-3,5%), HSG (-8,1%), NKG (-7,6%)...; ngành con hóa chất như DGC (-4,1%), DPM (-5,5%), DCM (-7,4%)... Tiếp theo là ngành dầu khí và công nghệ thông tin cùng mức giảm 4,3%, với các cổ phiếu tiêu biểu như OIL (-2,2%), PVD (-5,9%), PVS (-1,6%), PVB (-4,9%), PVC (-4,5%), PLX (-4,6%)...; FPT (-4,6%), CMG (-2,5%)... Ngành trụ cột là ngân hàng cũng giảm 3,7% tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường, có thể kể đến VCB (-1,9%), CTG (-2,7%), ACB (-5,2%), TCB (-5,7%), MBB (-6%), VPB (-6,9%), SHB (-4,9%)...

Theo các chuyên gia, với việc thị trường giảm mạnh trong thời gian qua, khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ khó xảy ra. Rủi ro hiện tại có lẽ đến nhiều từ tâm lý nhà đầu tư.

“Sau 5 tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng 14,5 lần, và P/E của VN30 là khoảng gần 14 lần, đều thấp hơn mức trung bình 5 năm gần đây. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị” - khuyến nghị của Công ty chứng khoán SHS đánh giá.

Thị trường giảm sâu, đầu tư thế nào?

Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 5 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, việc thị trường giảm sâu có thể tạo cơ hội cho dòng tiền tham gia khi mức định giá thị trường hấp dẫn hơn.

Nếu như giai đoạn 2020 - 2021, thị trường tăng trên diện rộng nhờ dòng tiền “dễ dãi”, VDSC cho rằng trong giai đoạn sắp tới, dòng tiền sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro cùng chi phí vốn đầu tư tăng.

Theo đó, các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng đà tăng giá chỉ thực sự bền vững ở những cổ phiếu mà DN có nền tảng tài chính mạnh, chiến lược kinh doanh rõ ràng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Mặt khác, những cổ phiếu có diễn biến giá mạnh hơn trong khi thị trường chung sụt giảm mạnh trong tháng 4 đều được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, kho vận, công nghệ, bán lẻ là một số điển hình. Do vậy, việc chọn lọc cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn quan trọng hơn là dự báo xu thế thị trường.

Về khuyến nghị đầu tư, các chuyên gia Rồng Việt kỳ vọng, nhóm ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu DN tương đối thấp như VCB sẽ hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, VIC cũng là cổ phiếu đáng chú ý để nâng đỡ thị trường bởi sự phục hồi trở lại của một số mảng kinh doanh như trung tâm thương mại, khách sạn trong giai đoạn hậu Covid-19, cùng với việc chờ đợi động lực từ đợt IPO của Vinfast. Nhóm thực phẩm và đồ uống (MSN) được kỳ vọng là một trợ lực cho thị trường, khi mức định giá hiện đang thấp hơn trung bình 5 năm và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2022 cao hơn so với

Song song với đó, chiến lược đầu tư “ngược xu thế” dành cho những nhà đầu tư giá trị, với khả năng chịu đựng rủi ro cao và khung thời gian đầu tư dài vẫn có thể áp dụng được đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản (BĐS), khi mặt bằng định giá của nhóm này hiện tại đã được chiết khấu khá nhiều. Các doanh nghiệp BĐS có nhiều dự án sẵn sàng để mở bán (NLG, KDH, HDG) có thể là những sự lựa chọn cho mục tiêu nắm giữ dài hạn không tồi trong giai đoạn hiện tại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp có bảng cân đối lành mạnh, dòng tiền ổn định nhờ các hợp đồng thuê được đảm bảo, có tỷ suất lợi tức hấp dẫn như PHR, LHG cũng có thể được cân nhắc.

Một lưu ý nữa là việc Fed tăng lãi suất cũng đã tác động đến TTCK Việt Nam. Theo TS Cấn Văn Lực, điều này khiến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài bị ảnh hưởng. Khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước. “Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại TTCK Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực” - TS Lực cho biết.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng lạc quan, nhà đầu tư ngoại rút vốn sẽ không nhiều, do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.