Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP. Vì thế, nhiều dự báo cho rằng TTCK trong tháng 6 sẽ tiếp tục sôi động, nhưng với sự thận trọng nhất định.
Theo Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 6/2021 vừa phát hành của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), TTCK tháng 6 sẽ tiếp tục đà tăng nhưng có thể xảy ra những nhịp rung lắc. Động lực chính vẫn là sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, trong tháng 5, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh khi đạt 114.000 tài khoản, con số cao nhất từ trước đến nay, làm cho số lượng tài khoản mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021 vượt qua con số của cả năm 2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VDSC bày tỏ quan ngại về tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE từ đầu tháng 6 cùng với việc tái bùng phát của dịch Covid-19 với mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn so với 3 đợt dịch trước. Tại thời điểm hiện tại, VDSC dự phòng tăng trưởng EPS 2021 của các DN trên sàn HOSE ở mức từ 10% đến 20% trong kịch bản cơ sở, từ đó đưa ra mức dự báo chỉ số VN-Index trong khoảng 1.303 - 1.421 điểm.
Đồng quan điểm, Báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 của Công ty Chứng khoán VnDirect cũng đưa ra dự báo, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.280 - 1.380 điểm trong tháng 6/2021. Mốc 1.280 - 1.300 điểm sẽ là những mốc hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index trong tháng này. VnDirect cũng dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 của các công ty niêm yết trên HOSE lên 30%, từ mức 23% trước đó.
VnDirect nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường tháng 6, bao gồm: Một số nền kinh tế lớn đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại; triển vọng xuất khẩu tươi sáng hơn; kỳ vọng lợi nhuận ròng các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho rằng, TTCK Việt Nam hiện tại không còn bị định giá thấp, nhưng không phải quá cao. DN cần thêm thời gian để cải thiện kết quả kinh doanh và kéo mặt bằng định giá lên mức hấp dẫn hơn.
Tìm cơ hội từ nhóm ngànhTính từ đầu quý II/2021 đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, sắt thép tăng giá nhanh và mạnh, không ít mã vượt lên trên mức giá đầu tư mục tiêu mà các công ty chứng khoán lớn đưa ra. Vì thế, trong tháng 6, các công ty chứng khoán tiếp tục đặt kỳ vọng vào sức bật tốt của kết quả kinh doanh tiếp nối trong quý 2/2021 trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh những câu chuyện riêng của DN như phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược, mua bán và sáp nhập (M&A)…
Vì thế, VDSC cho biết tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan với nhóm cổ phiếu thép và ngân hàng khi mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2021 là 114% cùng kỳ năm trước, mặc dù một vài yếu tố lo ngại về dịch bệnh và định giá cao có thể sẽ cản trở đà tăng của hai nhóm này trong ngắn hạn.
Còn tại một báo cáo về triển vọng ngành bất động sản nhà ở vừa được phát hành của VnDirect, công ty này khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu DN bất động sản nhà ở, do sắp triển khai các dự án mà DN đã được cấp phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có khả năng cao được cấp phép trong năm 2021. Thứ hai, có sở hữu quỹ căn hộ cho phân khúc trung cấp và bình dân. Thứ ba DN phải sở hữu sức khỏe tài chính lành mạnh.
Theo VnDirect, tiềm năng tăng giá là nguồn cung hồi phục. Rủi ro giảm giá là từ nguồn cung thấp hơn dự kiến do quy trình pháp lý chậm và giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao.
Cùng với quan điểm này, báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí khi giá dầu tiềm năng quay trở lại đà tăng; cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Công nghệ thông tin - Bưu chính viễn thông; cân nhắc mua một số ngành có thể có lợi thế trong đợt này như dệt may, thủy sản… do ảnh hưởng từ gián đoạn do dịch bệnh ở Ấn Độ, Myanmar…