Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đêm trước, tại Mỹ, sắc xanh tràn ngập thị trường chứng khoán Phố Wall, nhờ báo cáo cho thấy số đơn đặt hàng của các nhà máy trong tháng 5/2012 và doanh số bán xe hơi của các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 6/2012 tăng mạnh.

Thị trường hôm qua được hỗ trợ mạnh hơn nhờ sự đi lên của nhóm cổ phiếu năng lượng. Tin tức cho biết, các nghị sỹ Iran đang soạn thảo một dự luật về việc đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa việc Mỹ và phương Tây cấm vận ngành dầu mỏ nước này. Eo biển Hormuz là tuyến đường vận tải dầu mỏ chiến lược từ các nước trong khu vực Trung Đông ra thế giới bên ngoài.

Số đơn đặt hàng tại các nhà máy tăng nhẹ trong tháng 5 và nguy cơ bùng nổ một "trận chiến" dầu lửa tại Trung Đông đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng bật trở lại trong phiên giao dịch 3/7, một ngày trước khi thị trường đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh. Nhóm cổ phiếu năng lượng vọt cao nhất trong ngày.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua, số đơn đặt hàng tại các nhà máy Mỹ trong tháng 5 đã tăng 0,7% so với tháng 4. Trong đó, đơn hàng máy móc và máy tính tăng 2,1%, cao hơn mức ước tính 1,6% do các nhà phân tích đưa ra trong tuần trước. Số liệu này đã làm xóa nhòa bản báo cáo về tình hình sản xuất tháng 6 tại Mỹ được công bố trong phiên 2/7.

Các chỉ số chính tăng điểm mạnh sau khi có thông tin trên. Trong số các cổ phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất, Caterpillar, Alcoa, Boeing tăng ấn tượng nhất. Đây cũng là các cổ phiếu đã giảm mạnh trong phiên liền trước do báo cáo sản xuất tháng 6 được một tổ chức thương mại công bố. Theo tổ chức này, sản xuất tháng 6 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2009 tới nay.

Những thông tin trên đã lập tức tác động mạnh lên tình hình giao dịch dầu thô tại thị trường Mỹ. Giá dầu thô tại New York đã tăng 3,91% lên 87,66 USD/thùng. Mức tăng mạnh của giá dầu đồng thời giúp đẩy bật nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 tăng hơn 2%. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu của hãng năng lượng Mỹ Chevron tăng 1,4%, lên mức 107,37 USD.

Cũng trong ngày hôm qua, hai đại gia sản xuất xe hơi Mỹ là Ford và GM đều công bố sản lượng bán hàng tháng 6 tăng khá. Mặc dù con số tổng thể vẫn thấp hơn một chút so với ước tính của giới phân tích trong cuộc điều tra của FactSet, nhưng đây là một tín hiệu tích cực đối với kinh tế Mỹ. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi bản báo cáo việc làm tháng 6 của Chính phủ Mỹ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 72,43 điểm, tương ứng 0,56%, lên mức 12.943,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 8,51 điểm, tương ứng 0,62%, lên chốt ở 1.374,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh 24,85 điểm, tương ứng 0,84%, lên 2.976,08 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, do nhiều nhà đầu tư nghỉ lễ sớm hơn.

Sáng 4/7, theo sau đà tăng của chứng khoán Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo tăng 56,10 điểm (0,62%) lên 9.122,69 điểm.

Hiroichi Nishi, nhà điều hành thuộc SMBC Nikko Securities, nhận định tâm lý của các nhà giao dịch đang được cải thiện, trước những thông tin tích cực từ châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, sự ổn định tương đối của đồng yên cũng thúc đẩy hoạt động mua vào chứng khoán của giới đầu tư.

Theo chuyên gia Nishi, chỉ số Nikkei đã vượt trên mức trung bình trong 25 phiên. Đây là dấu hiệu cho thấy sự vững mạnh hơn của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Cùng đà đi lên, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tăng 6,12 điểm (0,27%) lên 2.235,31 điểm, bất chấp mối lo ngại dai dẳng về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Đại lục.