Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 24/10, VN-Index chính thức mất mốc 1.000 điểm, đóng cửa ở 986,15 điểm. HNX-Index giảm 7,91 điểm (3,64%), UPCoM-Index giảm 2,12 điểm (2,7%) về 76,45 điểm.
Trong một tháng chỉ số liên tiếp mất các mốc 1.300 điểm, 1.200 điểm, 1.100 điểm và giờ là ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm. Như vậy, VN-Index đang rơi xuống mốc thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2020.
Thanh khoản giảm mạnh chỉ còn hơn 13,7 nghìn tỷ đồng trên cả ba sàn, thấp hơn rất nhiều so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường hoàn toàn nghiêng về bên bán khi số mã đỏ chiếm 84% trên toàn thị trường, trong đó có 160 mã giảm sàn trên HOSE.
Sắc đỏ lan toả hết tất cả các nhóm ngành cổ phiếu. Trong đó, nhóm VN30 gây áp lực mạnh nhất lên thị trường khi giảm tới 3,63%. VHM, BID, SAB là những tội đồ của thị trường khi chỉ riêng 3 mã này đã lấy đi của VN-Index gần 10 điểm.
Nhiều cổ phiếu của các nhà băng đóng cửa giảm hết biên độ, điển hình như BID, STB, LPB, TCB. Tương tự, phần lớn các mã nằm sàn đều là các đại diện đến từ nhóm bất động sản, bao gồm CII, DXG, QCG, DIG, VRE, HQC, LDG, HDC, SCR, HDG, NLG, KDH, VPH, VHM, GVR, CEO,...
Ngày hôm nay, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội là lời than của nhà đầu tư. Dù dự báo rằng việc thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh đã được đưa ra nhưng không ai thể ngờ rằng đà lao dốc lại diễn ra nhanh như vậy. Điều đáng nói, giai đoạn hiện tại hầu như không có thông tin nào quá tiêu cực tác động tới thị trường. Tin xấu không có, tình hình doanh nghiệp kinh doanh ổn định, kinh tế vĩ mô với những con số “trong mơ”. Vậy, câu hỏi đặt ra tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam từ một điểm sáng, nay lại trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới?
Theo nhiều nhà đầu tư, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể biết đâu là đáy dù có những mã chứng khoán đã giảm tới 80-90% giá trị so với đầu năm. Chính vì vậy, bất chấp lỗ sâu, nhiều người đã bắt đầu nghĩ đến việc cắt lỗ, rời các nhóm tư vấn đầu tư.
Theo Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), diễn biến phiên hôm nay tiếp tục cho thấy áp lực cung vẫn đang áp đảo và tâm lý bi quan, chấp nhận bán bằng mọi giá của người cầm cổ phiếu. Động thái nâng đỡ giá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn giúp các chỉ số không đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Thanh khoản sụt giảm trong khi các chỉ số và nhiều cổ phiếu giảm sâu cho thấy dòng tiền vẫn yếu.
Mốc hỗ trợ của VN-Index quanh mức 1.000 điểm bị xuyên thủng sau phiên hôm nay trở thành kháng cự khi có các đợt hồi phục trong phiên tới.
TVSI nhận định, áp lực bán của phiên ngày mai trên bình diện chung vẫn khá lớn và số ít các cổ phiếu có sự nâng đỡ cuối phiên hôm nay có thể tạo ra một chút hi vọng về sự phân hóa trở lại cho thị trường trong phiên ngày mai.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường, kiên nhẫn chờ đợi VN-Index tìm điểm cân bằng để có thể giải ngân cho nhịp sóng 4 phục hồi.
Còn các chuyên gia Chứng khoán SHS thì khuyến nghị, với diễn biến tiêu cực và áp lực bán như hiện nay đến từ những ảnh hưởng liên thông từ thị trường trái phiếu đến thị trường chứng khoán, VN-Index trong phiên tiếp theo sẽ nổ lực phục hồi kiểm tra lại vùng giá tâm lý quanh 1.000 điểm và vẫn có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về vùng giá 950-970 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường ổn định trở lại, thoát khỏi tình hình suy giảm, tê liệt như hiện nay.