Bộ Tài chính: Hơn 11.000 nhà đất công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích
Kinhtedothi- Liên quan đến việc xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư, Cục trưởng Cục Công sản- Bộ Tài chính Nguyễn Tân Thịnh cho biết, theo thống kê đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Các cơ sở dôi dư chủ yếu tập trung ở các điểm trường, trạm y tế ở miền núi, vùng sâu xa, khó khăn.
Theo ông Thịnh, với định hướng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay, Bộ đang trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành rà soát 48 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công sản để trình, sửa đổi bổ sung đảm bảo phù hợp với mô hình, tổ chức bộ máy mới.

Ông Nguyễn Tân Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý công sản- Bộ Tài chính cho biết, sẽ truy rõ trách nhiệm khi để lãng phí trụ sở dôi dư
“Việc sắp xếp, bố trí, xử lý đối với các trụ sở, tài sản công của các cơ quan đơn vị khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp cần được xác định rõ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không phải riêng của một ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, việc sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc tài sản của Bộ, ngành địa phương nào thì trước hết Bộ, ngành địa phương đó phải chịu trách nhiệm theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Tuy nhiên để hỗ trợ các Bộ ngành, địa phương, vừa rồi lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo sẽ thành lập 1 Tổ điều phối để thực hiện việc sắp xếp, bố trí, đối với trụ sở, công trình của các cơ quan tổ chức, đơn vị có mối quan hệ giữa trung ương và địa phương”- Cục trưởng Cục Quản lý công sản thông tin.
Liên quan đến việc xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư, ông Thịnh thông tin, theo thống kê đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Các cơ sở dôi dư chủ yếu tập trung ở các điểm trường, trạm y tế ở miền núi, vùng sâu xa, khó khăn.
Theo ông Thịnh, để xử lý 1 cơ sở nhà đất liên quan đến nhiều vấn đề, như vấn đề về quy hoạch. Trong khi đó, để điều chỉnh quy hoạch cần tuân theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn liên quan đến ý thức trách nhiệm của cơ quan đơn vị, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng đối với các cơ sở nhà đất. Hay một số cơ sở nhà đất dôi dư không ở vị trí thuận lợi nên khi thực hiện giao đất, đấu giá cho thuê không có người mua, khó xử lý…
“Kết hợp nhiều nguyên nhân, nên không thể một sớm một chiều xử lý được ngay trụ sở dôi dư như đối với tài sản công là ô tô, máy móc thiết bị” – ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.
Về trách nhiệm khi để lãng phí trụ sở dôi dư, ông Thịnh cho biết, hiện nay đã có các quy định về phòng chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài chính công, tài sản công, trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan khi xảy ra lãng phí. Ngoài ra còn có các quy định khác của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Về sắp xếp tài sản công khác, trong đó có xe công, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 6000 xe công từ cấp huyện sẽ huyện, chuyển nhiệm vụ xuống cấp xã.
Đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.
Trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc thì bố trí xe ô tô hiện có hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm hoặc thuê xe ô tô theo quy định để phục vụ việc đưa đón, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Sắp xếp tài sản công khi tổ chức lại đơn vị hành chính: tối ưu hóa nguồn lực, hạn chế mua sắm mới
Kinhtedothi- Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, máy móc, thiết bị dùng chung và các tài sản khác trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng, hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.

Hà Nội: xử lý, tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất không sử dụng
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 23/4/2025 về việc xử lý và tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội.

Chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực đối với tài sản công sau sáp nhập
Kinhtedothi- Ngày 24/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.