Sắp xếp tài sản công khi tổ chức lại đơn vị hành chính: tối ưu hóa nguồn lực, hạn chế mua sắm mới
Kinhtedothi- Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, máy móc, thiết bị dùng chung và các tài sản khác trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng, hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.
Ngày 15/4/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4891/BTC-QLCS gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Xử lý tài sản công với trụ sở, ô tô và các tài sản công khác thế nào?
Để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý tài sản công khi có sự thay đổi tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành các Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024, trong đó, đã có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản công khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có các công văn hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Về trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bộ Tài chính yêu cầu ưu tiên bố trí lại cho các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở nơi đặt trụ sở hoặc các cơ quan nhà nước khác có nhu cầu, kể cả các cơ quan trung ương trên địa bàn. Trường hợp cần thiết có thể bố trí dùng chung theo phương thức quản lý phù hợp với Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi.
Ngoài ra, có thể hoán đổi, điều chuyển trụ sở giữa các cấp hành chính hoặc giữa cơ quan trung ương và địa phương nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý, tránh thừa – thiếu diện tích. Các trụ sở, cơ sở dôi dư sau sắp xếp sẽ được xử lý theo quy định pháp luật về tài sản công, ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ mục đích y tế, giáo dục, văn hóa công cộng; hoặc giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương khai thác, phát triển.
Về xe ô tô công, Bộ Tài chính phân loại rõ: xe chuyên dùng đi kèm với nhiệm vụ đặc thù sẽ chuyển giao theo nhiệm vụ. Xe phục vụ công tác chung sẽ được điều chuyển cho đơn vị thiếu hoặc xử lý theo quy định. Trường hợp cần đưa đón cán bộ, công chức, có thể sử dụng xe hiện có, bổ sung định mức hoặc thuê xe để đảm bảo hoạt động hiệu quả, tiết kiệm.
Đối với máy móc, thiết bị và tài sản khác, Bộ yêu cầu ưu tiên tận dụng lại những tài sản còn khả năng sử dụng, điều chuyển theo nhu cầu thực tế tại địa điểm mới. Máy móc chuyên dùng sẽ chuyển giao theo nhiệm vụ; thiết bị phổ biến được đưa về đơn vị mới để tiếp tục khai thác. Tài sản dôi dư sẽ được điều hòa nội bộ hoặc xử lý theo quy định.
Trách nhiệm cụ thể của từng cấp khi thực hiện sắp xếp tài sản công
Công văn xác định cụ thể trách nhiệm của từng cấp. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản cấp huyện và xã, kể cả khi xã được chuyển từ huyện khác sang. Sở Tài chính cấp tỉnh chủ trì xây dựng phương án tổng thể cho cấp tỉnh. Các bộ, ngành trung ương rà soát tổ chức bộ máy ngành dọc và chuyển tài sản dôi dư về địa phương hoặc đơn vị sử dụng phù hợp.
Tất cả phương án xử lý tài sản phải được tích hợp vào hồ sơ đề án sắp xếp hành chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Điều này bảo đảm tính đồng bộ giữa việc tổ chức lại bộ máy và phân bổ lại nguồn lực tài sản công, tránh hiện tượng tài sản bị "bỏ quên" hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Một điểm nhấn quan trọng của công văn 4891 là hạn chế tối đa việc mua sắm tài sản mới. Thay vào đó, các địa phương và cơ quan phải ưu tiên sử dụng lại tài sản hiện có. Quan điểm này không chỉ góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà còn giúp thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong sử dụng tài sản công.
Bộ Tài chính khuyến khích chuyển đổi công năng trụ sở cũ sang mô hình đa chức năng phục vụ cộng đồng như thư viện, công viên, trung tâm sinh hoạt văn hóa... Việc giao cho tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức quản lý nhà để quản lý dài hạn và cho thuê cũng là giải pháp nhằm tạo nguồn thu và duy trì giá trị tài sản công.

Siết quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp bộ máy
Kinhtedothi-Nghiêm cấm việc chiếm giữ, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu và cơ sở dữ liệu (CSDL) tài liệu; không được làm hỏng, thất lạc tài liệu và CSDL tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy...

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư: tạo được ủng hộ của Nhân dân trong cách mạng sắp xếp bộ máy
Kinhtedothi-Trưởng Ban Tổ chức T.Ư đề nghị Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể T.Ư chủ động phối hợp tuyên truyền vận động để tạo được đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy; giải quyết tốt chế độ chính sách cho cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp...

TP Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất tinh gọn, sắp xếp bộ máy
Kinhtedothi - Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND TP để xin ý kiến về phương án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư.