Thanh khoản thị trường thấp, bất động sản và ngân hàng vẫn hút tiền
Phiên giao dịch ngày 26/1, tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 14.588 tỷ đồng, tăng 15% so với phiên hôm qua, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 12.899 tỷ đồng, tăng 13%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 5.190 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, tổng lượng giao dịch đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản nhóm bất động sản là 2,7 nghìn tỷ đồng, chứng khoán là 2,3 nghìn tỷ đồng.
Giao dịch với thanh khoản thấp, nhưng chỉ số VN-Index diễn biến tích cực hơn khi tăng điểm từ sớm với sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,3 điểm, lên 1.175,67.
Phiên này, khối ngoại hôm nay đã trở lại mua ròng 235 tỷ đồng trên sàn HoSE. HPG tiếp tục được dòng tiền nước ngoài săn đón với tổng giá trị mua ròng đạt gần 92 tỷ đồng. Hai phiên trước đó, cổ phiếu của Hòa Phát cũng dẫn đầu chiều mua ròng. Ngoài ra còn có HSG +83 tỷ đồng, VCG +76 tỷ đồng, EIB +69 tỷ đồng, NLG +68 tỷ đồng, HCM +53 tỷ đồng; VPB, DXG +38 tỷ đồng; CTG, PDR trên 20 tỷ đồng… Chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 100 tỷ đồng. SAB cũng bị bán ròng 85 tỷ đồng, kế đến là MSN 57 tỷ đồng, VNM 38 tỷ đồng, VIC và GAS hơn 20 tỷ đồng…
Thị trường phân hoá mạnh
Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 73.415,5 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tuần trước, dưới mức trung bình, khối lượng giao dịch tăng 4,3%. HNX-Index thanh khoản giảm 6,4% với 5.466,78 tỉ đồng được giao dịch. Thể hiện mức độ phân hóa mạnh và dòng tiền ngắn hạn vẫn có tín hiệu xoay vòng tích cực, luân chuyển ở từng nhóm mã với nhiều mã vẫn tăng giá vượt trội trong thời gian công bố kết quả kinh doanh quí IV/2023. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và mua ròng tuần thứ 2 với giá trị gia tăng 890,73 tỉ đồng trên HOSE là động lực tích cực đối với các mã, nhóm mã được mua ròng; tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 15,33 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tiếp tục duy trì lãi suất âm, cam kết sẽ định hướng lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất 10 năm ở mức 0%; Trong cuộc họp báo ngày 24/01/2024, Thống đốc NHTW Trung Quốc cho biết động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 05/02/2024 sẽ bơm thêm 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường; GDP của nền kinh tế số 1 thế giới Mỹ tăng 3,3% trong quý 4/2023, dựa trên dữ liệu được điều chỉnh theo mùa và theo lạm phát. Con số này giảm so với mức tăng trong quý 3/2023 là 4,9% nhưng cao hơn ước tính của Phố Wall là 2%.
Nhóm cố phiếu ngân hàng sau giai đoạn tăng giá mạnh đa số đã chịu áp lực điều chỉnh, phân hóa trong biên độ hẹp, thanh khoản duy trì ở mức cao, trên trung bình như OCB (-2,67%), NAB (-1,91%), BID (-1,81%), EIB (-1,76%)... ngoài các mã tăng giá với SSB (+2,31%), PGB (+1,67%), HDB (+1,67%), SHB (+1,65%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp lại có diễn biến khá tích cực, nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản rất đột biến trước những thông tin kết quả kinh doanh quí IV/2023 duy trì tăng trưởng tốt, nổi bật như D2D (+15,22%), SIP (+10,92%), TIP (+5,88%), NTC (+4,7%)... ngoài các mã giảm điểm KBC (-4,28%), SNZ (-2,12%)...
Thị trường có rất nhiều cổ phiếu có diễn biến tăng giá vượt trội, đột biến trong tuần qua khi có những thông tin kết quả kinh doanh tốt như trong nhóm phân bón LAS (+11,26%), DDV (+2,91%), hóa chất CSV (+17,17%), nông nghiệp HAG (+7,30%), HNG (+5,29%), MCM (+4,83%), săm lốp DRC (+5,89%) .. hay các mã như VFG (+16,16%), VTP (+11,65%), FRT (+5,11%), ACV (+8,27%), DXP (+7,38%)...