Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán tuần 9/5 - 13/5: Thủng mốc 1.200 điểm, nhiều nhà đầu tư tắt bảng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán có tuần giảm điểm thứ sáu liên tiếp, với mức giảm rất mạnh và thanh khoản tiếp tục duy trì dưới mức trung bình. Nhiều nhà đầu tư chọn cách tắt bảng điện tử, đứng ngoài cuộc chơi khi đà rơi của thị trường quá mạnh.

“10 năm, thị trường lại có nhịp giảm 6 tuần liên tiếp”

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11%) xuống 1.182,77 điểm, HNX-Index giảm 41,07 điểm (-12%) xuống 302,39 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 79,9% so với tuần trước đó, với 84.217 tỷ đồng tương ứng khối lượng giao dịch tăng 92,9%, lên 3.132 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 70,7% so với tuần trước đó, với 8.289 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch tăng 93%, lên 406 triệu cổ phiếu. Sự so sánh trên khá dễ hiểu khi tuần này giao dịch 5 phiên và tuần trước chỉ giao dịch 3 phiên.

Riêng trong phiên cuối tuần 13/5, VN-Index giảm 56,07 điểm (-4,53%) xuống 1.182,77 điểm. HNX-Index giảm 13,13 điểm (-4,16%) xuống 302,39 điểm. UPCoM-Index giảm 2,83 điểm (-2,93%) xuống 93,61 điểm.

Trên HOSE, khối ngoại mua vào 79,6 triệu đơn vị, giá trị 2.740,1 tỷ đồng và bán ra 57,6 triệu đơn vị, giá trị 2.172,5 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21,9 triệu đơn vị, tương ứng mua ròng 567,6 tỷ đồng.

Ở chiều mua, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu danh sách với giá trị lên tới 587,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 4 mã được mua ròng trên 40 tỷ đồng gồm VNM, CTG, VRE và DGC.

Ở chiều bán, nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh nhất HPG với 219,4 tỷ đồng. Các mã bị bán mạnh còn có STB với 75,5 tỷ đồng; VCB 47,7 tỷ đồng; KBC 43 tỷ đồng; VHM 38 tỷ đồng; NVL 32 tỷ đồng; SAB 28,7 tỷ đồng…

Trên HNX, khối ngoại bán ròng 3,5 tỷ đồng. Trong đó, họ bán mạnh nhất SHS với 27,5 tỷ đồng. Trái lại, PVS và PVI được mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt đạt 10 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 7,5 tỷ đồng. Lực mua chủ yếu tập trung vào QNS với 8,8 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất ở cả chiều mua và bán ròng có giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 21 triệu đơn vị, tương ứng 571,6 tỷ đồng. Trong khi phiên hôm qua đã bán ròng 6,4 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 93,7 tỷ đồng.

Thống kê từ Công ty Chứng khoán SHS cho biết, đã rất lâu rồi, chính xác là khoảng hơn 10 năm trước (lần cuối là giai đoạn cuối năm 2011), thị trường mới lại có nhịp giảm sáu tuần liên tiếp. Với nhịp giảm này, VN-Index bay mất hơn 22% giá trị vốn hóa toàn thị trường, chỉ số VN30 cũng giảm hơn 21% số điểm trong 6 tuần qua.

Sau sáu tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức rất hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng gần 13 lần, và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần, đây đều là mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Nếu tính theo P/E Forward cho năm 2022, mức định giá trên càng trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.

Bên cạnh đó, nếu xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật, thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index dường như đang gần được target của sóng điều chỉnh a, với target đầu tiên theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tiêu cực hơn, VN-Index vẫn có thể lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn, mà gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm.

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 16/5 - 20/5, bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau, do thị trường đã giảm về vùng target của sóng điều chỉnh a, và cũng không loại trừ khả năng thị trường có tuần hồi phục. Với việc kết hợp giữa định giá thị trường và góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng vùng 1.000 - 1.200 điểm, tương ứng với P/E VN-Index trong khoảng 11 - 13 lần sẽ là vùng hấp dẫn để giải ngân cho tầm nhìn dài hạn.

Đẩy nhanh mục tiêu nâng hạng thị trường

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) mặc dù vẫn trong xu thế điều chỉnh ngắn hạn, nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn trong trung, dài hạn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, sau quá trình điều chỉnh mạnh, thị trường sẽ xuất hiện nhiều cơ hội sinh lời hơn, và cũng ít rủi ro hơn nếu chọn đúng những mã ngành có giá trị cơ bản tốt, hoạt động sản xuất tăng trưởng tích cực theo xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Trao đổi với báo giới, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng...

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin.

“Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có những giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả” - đại diện UBCKNN nói.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

“Mặc dù việc nâng hạng phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, UBCKNN đang phối hợp với những cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra” - lãnh đạo UBCKNN nói.