Chứng khoán tuần này: Tiếp tục mua mạnh cổ phiếu than, thép, dầu khí?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như thép, than, dầu khí, phân bón... tăng giá vượt trội, nhà đầu tư thắng lớn tuần qua. Vậy, tuần này, có nên tiếp tục đặt cược vào than, thép… là câu hỏi nhiều nhà đầu tư băn khoăn.

Tháng 2/2022, sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát tăng gấp 2,3 lần so cùng kỳ
Tháng 2/2022, sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát tăng gấp 2,3 lần so cùng kỳ

Tuần qua ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của các nhóm ngành hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng cao, do nhu cầu gia tăng và cuộc chiến Nga - Ukraine là dầu, than, thép, phân bón…

HPG của Hòa Phát tăng mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 8,5%. HPG cùng nhiều cổ phiếu thép đua nhau bứt phá trong tuần qua nhờ sự đi lên mạnh mẽ của giá hàng hóa thế giới đặc biệt là giá thép. Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) cũng tăng 5,9%.

Ở sàn HNX, nhóm cổ phiếu than có tuần giao dịch bứt phá mạnh. Trong top 10 về mức tăng giá sàn này có đến 5 cổ phiếu ngành than. HLC của Than Hà Lầm tăng đến 40% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong khi đó, tăng giá mạnh nhất sàn HNX thuộc về doanh nghiệp ngành containers & đóng gói là PMP của Bao bì Đạm Phú Mỹ với 59,4%.

Tại sàn UPCoM, XMD của Xuân Mai - Đạo Tú (UPCoM: XMD) tăng giá mạnh nhất với gần 99%, từ mức 9.400 đồng/cp lên 18.700 đồng/cp. Khác với các tuần trước, trong danh sách tăng giá mạnh sàn UPCoM có một số cái tên thanh khoản ở mức tương đối, như VMG của Vimexco Gas (UPCoM: VMG), TNS của Thép tấm lá Thống Nhất, PXT của Xây lắp Đường ống Dầu khí.

Đánh giá về triển vọng của cổ phiếu than, thép, dầu khí…, các chuyên gia cho rằng, quan điểm dài hạn lại đánh giá xu hướng tăng giá nguyên vật liệu cơ bản trên toàn cầu đã kéo dài từ trước và xung đột Nga - Ukraine chỉ góp phần làm gia tăng cường độ. Các chất xúc tác mới từ việc cấm vận khó có thể gỡ bỏ một sớm một chiều, nên động lực cho đà tăng giá hàng hóa cơ bản vẫn sẽ tiếp tục.

“Mặc dù cổ phiếu của các nhóm ngành này, như thép, than, dầu khí, phân bón... đã tăng với biên độ lớn, nhưng nhiều khả năng là sóng tăng vẫn chưa kết thúc. Do đó theo tôi, việc đua giá cao đối với nhà đầu tư chậm sóng là không nên, nhưng cơ hội mua sẽ mở ra khi có nhịp điều chỉnh kỹ thuật tại nhóm cổ phiếu này”- chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng đánh giá.

Còn theo khuyến nghị của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS),  nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội "lướt sóng" ở các cổ phiếu đang bước vào nhịp tăng nóng trong tuần vừa qua, thuộc các nhóm ngành được hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn ''lình xình'' trên thị trường ở thời điểm hiện tại tích lũy thêm các cổ phiếu mục tiêu, nhưng nên hạn chế gia tăng margin và giữ lại một phần sức mua, để sẵn sàng giải ngân theo chiều lên nếu thị trường xuất hiện tín hiệu bứt phá trong tuần tới.

Còn Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng, cổ phiếu hàng hóa dẫn dắt thị trường là nét chính trong tuần qua, bên cạnh đó cổ phiếu ngân hàng dù chưa tăng đáng kể nhưng góp phần giữ nhịp thị trường chung. Tình hình căng thẳng kéo dài tại khu vực Đông Âu dẫn đến lo ngại hạn chế nguồn cung đối với thị trường hàng hóa thế giới, đẩy giá tăng cao, các doanh nghiệp niêm yết đang hoạt động sản xuất dầu mỏ, sắt thép, hóa chất, phân bón, thủy sản… được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá bán ra và sản lượng tiêu thụ đều tăng. Nhà đầu tư có thể giữ danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, dành sức mua để đón nhận cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh, hướng đến đầu tư trung dài hạn vào cổ phiếu thép, dầu khí, cổ phiếu vật liệu xây dựng, khu công nghiệp.