Chứng khoán Việt Nam “rực lửa”, VN-Index mất gần 78 điểm sau kỳ nghỉ lễ
Ảnh hưởng tiêu cực từ những chính sách thuế quan cực đoan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nhà đầu tư tiếp tục bán tháo trong hoảng loạn khiến VN-Index mất gần 78 điểm phiên sau nghỉ Lễ.
Thị trường rực lửa sau nghỉ Lễ
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ với một phiên giao dịch “rực lửa” ngày 8/4, khi áp lực bán tháo lan rộng khắp các nhóm ngành và chỉ số chính đồng loạt lao dốc. VN-Index khép lại phiên tại 1.132,79 điểm, giảm 77,88 điểm tương đương 6,43% – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023.

Hơn 400 cổ phiếu giảm sàn trong phiên hôm nay 8/4. Nguồn: Người quan sát
Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 27.646 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE đóng góp 25.285 tỷ đồng với khối lượng giao dịch hơn 1,163 tỷ cổ phiếu. Tuy nhiên, dòng tiền chủ yếu mang tính chất tháo chạy hơn là bắt đáy. Sắc đỏ bao phủ gần như toàn bộ thị trường, khi có tới 440 cổ phiếu giảm sàn, trong đó sàn HoSE có 266 mã, HNX 102 mã và UPCoM 69 mã.
Toàn bộ các nhóm ngành lớn đều chìm sâu trong sắc đỏ: ngân hàng giảm 6,72%, bất động sản mất 6,20%, chứng khoán lao dốc 7,17%, nhóm nguyên vật liệu và vận tải lần lượt giảm 7,25% và 5,83%. Đặc biệt, nhóm ngân hàng ghi nhận tới 18 mã giảm sàn, trong đó VCB, BID, CTG, TCB và VPB khiến VN-Index mất gần 20 điểm.
Khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng phiên thứ 15 liên tiếp với quy mô 1.723 tỷ đồng, tương đương hơn 55,8 triệu cổ phiếu, tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MBB (411 tỷ đồng), STB, VCB, VHM, FPT, VNM... Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua ròng hạn chế tại các mã như MWG (99 tỷ đồng), CTG (86 tỷ), SAB, BMP, GAS...
Đáng chú ý, giữa cơn bão đỏ, một số cổ phiếu penny và thanh khoản thấp vẫn bất ngờ tăng giá như SVI (+6,92%), STG (+6,69%), LM8 (+5,38%), ABR (+2,54%)... Tuy nhiên, số này quá nhỏ để có thể cân bằng xu hướng chung của thị trường.
Thanh khoản tại nhóm VN30 đạt 17.323 tỷ đồng, cho thấy lực bán mạnh tập trung vào các mã vốn hóa lớn. Các cổ phiếu như HPG – ông lớn ngành thép – ghi nhận thanh khoản hơn 35 triệu đơn vị và dư bán gần 21 triệu cổ phiếu ở mức sàn. Trong ngành chứng khoán, 29 mã giảm kịch biên độ, chỉ còn vài mã trụ được trên vùng giảm sàn.
Thị trường hiện tại đang ở trong giai đoạn hoảng loạn cao độ, khi dòng tiền bắt đáy chưa đủ mạnh để hấp thụ áp lực bán tháo. Giới phân tích nhận định VN-Index có thể tiếp tục dò đáy ngắn hạn nếu thiếu vắng thông tin hỗ trợ rõ ràng từ kinh tế vĩ mô và tâm lý nhà đầu tư không được cải thiện.
Cổ phiếu lao dốc 3 phiên liên tiếp, gia đình Chủ tịch DIG đối mặt nguy cơ bị bán giải chấp gần 2,5 triệu cổ phiếu
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc dữ dội, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) đã giảm sàn liên tiếp 3 phiên, khiến gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường có nguy cơ bị bán giải chấp gần 2,5 triệu cổ phiếu.
Theo thông báo từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong phiên 8/4, việc bán giải chấp có thể diễn ra đối với cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Cường và người thân trong gia đình, bao gồm: ông Nguyễn Hùng Cường bị bán giải chấp hơn 1,2 triệu cổ phiếu, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Chủ tịch HĐQT và em gái ông Cường – khoảng 837.400 cổ phiếu, còn bà Lê Thị Hà Thành – mẹ ông Cường – là 409.600 cổ phiếu.
Cổ phiếu DIG hiện đã giảm sàn ba phiên liên tiếp, khép lại phiên 8/4 tại mức 16.050 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đợt giảm mạnh này diễn ra trong thời điểm VN-Index lao dốc gần 78 điểm và thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh sau tuyên bố áp thuế mới từ phía Mỹ.
MBS cho biết, việc bán giải chấp có thể không nhất thiết phải công bố ra công chúng nếu chủ tài khoản kịp thời bổ sung tài sản đảm bảo hoặc giá cổ phiếu hồi phục trở lại, đủ để đáp ứng tỷ lệ ký quỹ tối thiểu. Tuy nhiên, rủi ro giải chấp vẫn hiện hữu nếu diễn biến giá tiếp tục tiêu cực trong các phiên tới.
Nếu toàn bộ lượng cổ phiếu trên bị bán giải chấp như dự kiến, tỷ lệ sở hữu của các cá nhân trong gia đình ông Cường tại DIG sẽ giảm nhẹ: ông Cường từ 13,56% xuống 13,36%; bà Huyền từ 2,98% còn 2,84%; bà Hà Thành từ 3,4% còn 3,33%. Mặc dù mức giảm không lớn về tỷ lệ, nhưng động thái này tiếp tục gây áp lực tâm lý đáng kể lên nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh cổ phiếu DIG từng là “hiện tượng” của thị trường năm 2021.
Diễn biến giải chấp cổ phiếu trong ban lãnh đạo DIG được đánh giá là tín hiệu tiêu cực, phản ánh mức độ rủi ro gia tăng trong danh mục nắm giữ có đòn bẩy tài chính cao. Trong khi đó, với việc DIG mất tới gần 40% giá trị so với đầu tháng 3, nhà đầu tư đang kỳ vọng ban lãn