Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa rối nước Đào Thục

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 23/12, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận quyết định và trao giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm).

Thăng trầm tồn tại phát triển

Trình bày báo cáo tóm tắt về di sản múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm), Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hình thành từ xa xưa gắn liền với nền văn hóa văn minh lúa nước của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Tương truyền, phường múa rối nước Đào Thục được hình thành từ thời Hậu Lê, đến thời Nguyễn phường rối được duy trì, thực hành và phát triển tốt trong cộng đồng. Vào thời kỳ Pháp thuộc, do chiến tranh loạn lạc, đời sống khó khăn, nhiều di tích bị đốt phá nên các quân rối cổ đều bị đốt cháy, việc thực hành múa rối vì thế cũng bị hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám trình bày báo cáo tóm tắt về lịch sử phường múa rối nước Đào Thục.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám trình bày báo cáo tóm tắt về lịch sử phường múa rối nước Đào Thục.

Hòa bình lập lại, Ty văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các chủ thể nắm giữ và thực hành tri thức múa rối phục hồi lại phường rối để trình diễn phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc. Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, việc thực hành múa rối nước lại bị gián đoạn. Đến năm 1968, được sự khuyến khích của nhà nghiên cứu TôXanh, phường rối nước Đào Thục được khôi phục do cụ Đinh Văn Viết làm Trưởng phường. Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, được sự tài trợ của Union Internationale de la Marionntte – (Hiệp Hội Rối Thế giới - tổ chức thế giới của những người tham gia vào công việc phát triển nghệ thuật rối), phường rối đã sửa lại nhà thủy đình và làm lại các quân rối phục vụ trình diễn.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đứng trước những tác động của nền kinh tế thị trường và mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế, nhiều loại hình văn hóa hiện đại trên thế giới du nhập, khiến các loại hình văn hóa truyền thống trong đó có rối nước đứng trước nguy cơ bị mai một. Để duy trì và bảo vệ di sản, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục đã tích cực khai thác thế mạnh của quê hương giàu truyền thống kết hợp với làng nghề làm du lịch văn hóa dân gian.

Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng phường múa rối nước Đào Thục vẫn được phát triển và duy trì cho đến ngày nay.
Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng phường múa rối nước Đào Thục vẫn được phát triển và duy trì cho đến ngày nay.

Năm 2001, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, phường rối nước Đào Thục được hỗ trợ kinh phí xây dựng buồng trò tại ao trước đình làng làm nơi trình diễn và bảo quản quân rối. Từ năm 2007 đến nay, phường múa rối nước Đào Thục bắt đầu tích cực kết nối với các công ty du lịch, xây dựng website, quảng bá hình ảnh trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội... Vì vậy, việc thực hành múa rối nước tại Đào Thục ngày càng hiệu quả hơn.

 

Để duy trì, phát triển nghề múa rối nước, xã đã tích cực hỗ trợ các nghệ nhân có điều kiện duy trì biểu diễn để gìn giữ làng nghề và gia tăng thu nhập. Thời gian qua, mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng với tình yêu và sự nhiệt huyết của các nghệ nhân, cũng như Nhân dân xã Thụy Lâm, nghệ thuật dân gian múa rối nước Đào Thục vẫn được lưu giữ và truyền lửa cho các thế hệ của làng, tạo thành nét văn hóa dân gian đặc sắc.

Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, Nguyễn Văn Thu

“Ngoài việc trình diễn trong những dịp lễ tết, hội hè của làng, hàng tuần, hàng tháng đều có những tour diễn tại địa phương phục vụ du khách trong và ngoài nước, biểu diễn tại các địa điểm văn hóa cũng như tham gia giới thiệu, trình diễn cả tại các tỉnh, TP trong nước và quốc tế như Hà Lan, Thái Lan và Trung Quốc...” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho hay.

Nâng cao giá trị kinh tế, du lịch

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận quyết định và trao giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn múa rối nước Đào Thục, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, Đông Anh là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá của người Việt cổ. Huyện hiện có 319 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của TP Hà Nội, trong đó có 142 di tích được Nhà nước xếp hạng gồm: 7 di tích trong cụm di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp TP; 128 di sản văn hoá phi vật thể nằm trong danh mục kiểm kê của TP, gồm: 59 tập quán xã hội, 29 lễ hội truyền thống, 8 nghề thủ công truyền thống, 23 nghệ thuật trình diễn dân gian và 9 tri thức dân gian, trong đó 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Cổ Loa và Nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Đào Thục.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường phát biểu tại buổi lễ.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường phát biểu tại buổi lễ.

Đào Thục là một ngôi làng cổ, nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 25 km. Văn bia đình làng Đào Thục ghi lại, nghề múa rối nước ở làng có từ thời Lê Trung hưng, cách đây khoảng hơn 300 năm. Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như mai một, nghề rối nước Đào Thục với tình yêu, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của lớp lớp thế hệ các nghệ nhân đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả, tạo thành nét đặc trưng văn hóa của quê hương Đông Anh.

Bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ, làng rối nước Đào Thục qua thời gian còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm, Huyền thoại Loa thành… thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đón chứng nhận di sản phi vật thể quốc gia phường múa rối nước Đào Thục.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đón chứng nhận di sản phi vật thể quốc gia phường múa rối nước Đào Thục.

“Đào Thục không chỉ là làng múa Rối nước mà còn là làng du lịch. Các nghệ nhân phường múa rối nước Đào Thục đã chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá du lịch; đổi mới việc tổ chức biểu diễn nhằm phục vụ khách du lịch. Hiện nay, ngoài hoạt động biểu diễn phục vụ khách, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục còn tổ chức nhiều dịch vụ du lịch phụ trợ, là địa chỉ du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho hay.

Bộ môn nghệ thuật dân gian múa rối nước vẫn được người dân làng Đào Thục duy trì và "truyền lửa" cho các thế hệ con cháu trong làng.
Bộ môn nghệ thuật dân gian múa rối nước vẫn được người dân làng Đào Thục duy trì và "truyền lửa" cho các thế hệ con cháu trong làng.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Huyện ủy Đông Anh, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục là sản phẩm du lịch đặc sắc được các nghệ nhân, Nhân dân duy trì và phát triển nằm trong các tour du lịch tham quan, tìm hiểu của TP Hà Nội thu hút hàng vạn lượt khách đến tham dự, thưởng thức đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, với việc sản xuất các sản phẩm rối nước để là quà lưu niệm cho khách du lịch đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn lợi cho người dân và địa phương.

“Việc đưa nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Đào Thục vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là sự đánh giá, ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học của phường múa rối nước Đào Thục, cộng đồng dân cư thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm nói riêng và sự độc đáo, đậm đà bản sắc văn hoá riêng có của huyện Đông Anh nói chung. Từ dấu mốc quan trọng này, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh sẽ càng thể hiện quyết tâm nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá trên địa bàn” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.