Chung sống với bệnh vảy nến

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vảy nến là bệnh không lây nhiễm, nhưng người mắc bệnh buộc phải chấp nhận sống chung cả đời với căn bệnh này.

Không là nguyên nhân chính gây tử vong, tuy nhiên các bệnh liên quan đến bệnh vảy nến như suy thận, tiểu đường, tim mạch có thể cướp đi sinh mạng người bệnh nếu không điều trị đúng cách.
Suy thận vì điều trị bằng thuốc nam

Mắc bệnh từ năm 16 tuổi, đến nay, anh Vũ Chí C. (phố Bạch Mai, Hà Nội) đã gần 20 năm sống chung với bệnh vảy nến. Lúc mới phát hiện bệnh, anh C. được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi từ Bắc vào Nam, song bệnh vẫn không thuyên giảm. Thậm chí, nghe theo mách bảo từ người thân, anh C. đã tìm đến không ít thầy lang để điều trị bằng thuốc lá. Vậy nhưng, chỉ uống 6 thìa thuốc sắc/ngày, sau nửa tháng điều trị, anh C. có biểu hiện bội nhiễm, da toàn thân bị mưng mủ, đau nhức phải đến Bệnh viện (BV) Da liễu T.Ư để cấp cứu. Sau một tháng điều trị tại viện, da toàn thân anh C. vẫn còn biểu hiện bóc tróc vảy, hậu quả nghiêm trọng nhất là anh bị biến chứng suy thận. Đến nay, vừa phải điều trị vảy nến, một tuần 3 lần anh C. phải đến viện để chạy thận.

Khám cho bệnh nhân vảy nến tại Bệnh viện Da liễu T.Ư.  Ảnh: Lê Vinh

Chủ tịch Hội Vảy nến Việt Nam Trần Hồng Trường cũng là người đã 28 năm sống chung với bệnh vảy nến. Anh Trường cho biết, những trường hợp như anh C. không phải là ít. Bởi lẽ, bệnh nhân vảy nến thường cảm thấy tự ti, sống khép mình, ngại tìm đến BV nên tự điều trị bằng các phương pháp truyền miệng, các bài thuốc nam, thuốc bắc. Không ít người tiền mất tật mang, nguy hiểm cả đến tính mạng, đến khi quay lại BV điều trị lại tốn kém gấp vài lần. Anh Trường cho biết thêm, vảy nến là bệnh mạn tính, có thể khỏi một thời gian nhưng nhiều trường hợp lại tái phát liên tục. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh tái phát là do stress tâm lý.

Tia UBV giúp ổn định bệnh lâu dài

Phó Giám đốc BV Da liễu T.Ư Lễ Hữu Doanh cho biết, BV hiện đang quản lý khoảng 2.000 hồ sơ bệnh nhân vảy nến, tỷ lệ mắc bệnh này khoảng 2 - 3% dân số. Tại BV có phòng khám chuyên đề vảy nến đón tiếp khoảng 50 - 60 bệnh nhân/ngày. “Bệnh nhân mắc bệnh có thể điều trị bằng nhiều cách, nhẹ thì bôi thuốc ngoài da, nặng hơn thì dùng thuốc uống, ở cấp độ 3 thì điều trị ánh sáng hoặc tiêm thuốc sinh học. Tuy nhiên, một mũi tiêm khoảng hơn 15 triệu đồng, một năm phải tiêm 3 - 4 lần rất tốn kém nên không phải bệnh nhân nào cũng theo được” - bác sĩ Doanh cho biết.

Trưởng nhóm Quản lý bệnh vảy nến tại BV Da liễu T.Ư Hoàng Văn Tâm thông tin, hiện nay, điều trị bệnh da bằng tia tử ngoại UVB dải hẹp toàn thân đang được coi là phương pháp ổn định bệnh lâu dài hơn so với các phương pháp khác. Qua đánh giá, hiệu quả chữa vảy nến của phương pháp này tới 80%, trên 50% số bệnh nhân ngừng chiếu sau 6 tháng bệnh ổn định. Khoảng 10 - 20% số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đỏ, bỏng rát khi chiếu nhưng được xử lý kịp thời. Ngoài ra, khi điều trị bằng chiếu sáng UBV dải hẹp, da bệnh nhân sẽ đen hơn bình thường, song triệu chứng này sẽ hết sau khi ngừng điều trị khoảng một tháng, màu da trở về như trước. “Đặc biệt, nhiều người lo ngại phương pháp này sẽ gây ung thư da, nhưng qua các nghiên cứu, khi sử dụng phương pháp này dưới 300 lần chiếu sẽ không làm tăng tỷ lệ ung thư da. Tại viện, chúng tôi kiểm soát rất chặt số lần chiếu, thời gian chiếu của người bệnh” - bác sĩ Tâm khẳng định. Chi phí điều trị khoảng 2 - 4 triệu đồng/liệu trình.q
Vảy nến thể thông thường có biểu hiện là các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay - bàn chân, đầu gối, khuỷu tay… Người bệnh khi có các triệu chứng trên cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần