Chúng ta đang bỏ lỡ nhiều cơ hội về giáo dục sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo dục thời kỳ sớm, từ khi người mẹ mang thai đến lúc trẻ 6 tuổi là “giai đoạn vàng”, là “cửa sổ của cơ hội”.

Dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực nghiên cứu này, PGS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT quy định không được dạy chữ và toán cho trẻ trước khi vào lớp 1 là sai lầm.

Xin PGS cho biết vai trò của giáo dục sớm đối với phát triển tiềm năng con người?

- Giáo dục sớm có 3 giai đoạn quan trọng là thai nhi, sơ sinh đến 3 tuổi; trên 3 tuổi đến 6 tuổi. Từ bào thai đến khi trẻ 3 tuổi là giai đoạn phát triển tế bào não, đặc biệt là não phải hình thành hàng tỷ tế bào thần kinh. Từ 3 đến 6 tuổi bắt đầu chuyển tiếp qua não trái. Mục đích đầu tiên của giáo dục sớm là kích hoạt phát triển não bộ, chủ yếu là não phải và làm cho đứa trẻ phát triển hài hòa ở 2 bán cầu đại não hoàn thiện. Mục đích thứ hai là để khai mở các tiềm năng của con người (thể lực, trí tuệ, ngôn ngữ...). Thứ ba là giúp đứa trẻ sớm hình thành được tính cách và phẩm chất. Nếu giai đoạn này bị bỏ rơi, thì tính cách chậm hình thành và bỏ mất cơ hội kích thích phát triển của não phải ở giai đoạn ấu thơ, đó là một sự lãng phí lớn. 

 
PGS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh.     Ảnh: Trần Oanh
PGS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: Trần Oanh
Xin PGS chứng minh điều vừa nói?

- Ở giai đoạn này, nếu đứa trẻ được kích hoạt thông qua các phương pháp giáo dục thì sẽ phát triển vận động sớm về ngôn ngữ, khả năng tiếp thu âm nhạc, hội họa… Trẻ có khả năng tiếp cận nhiều ngôn ngữ một lúc, cho nên, trẻ nhỏ tuổi có thể học cùng lúc 2 - 3 ngoại ngữ. Tóm lại, giai đoạn này, nếu được tác động cũng như kích thích sớm về giáo dục bằng phương pháp khoa học, trẻ sẽ phát triển toàn diện các tố chất, tiềm năng và tính cách.

Thưa PGS, giáo dục bằng phương pháp khoa học là như thế nào?

- Nghĩa là khi mang thai, hàng ngày người mẹ nghĩ đến những điều tốt đẹp cho con, cha mẹ nói chuyện với thai nhi bằng sự yêu thương và vỗ về. Những thông tin ấy sẽ được tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất với tốc độ cao qua các làn sóng, rồi lưu trong não bộ, giống như cất trong ổ cứng của máy tính, khi nào cần lấy ra sử dụng. Còn đối với đứa trẻ sơ sinh đến 3 tuổi, não phải có chức năng rất quan trọng là chụp hình ảnh. Do đó, giai đoạn này ta dạy cho trẻ theo cách tiếp xúc với cái gì thì biết được cái đó. Ví dụ, ta đưa cho bé cốc nước và viết chữ “cốc” ở bên, nó sẽ chụp hình cả hai. Một lúc khác, bé nhìn thấy cái cốc, hoặc chữ “cốc” sẽ đọc ra ngay.  

Thưa ông, việc dạy này có mâu thuẫn với quy định của Bộ GD&ĐT là không dạy trẻ viết chữ và làm toán trước khi vào lớp 1?

- Bộ GD&ĐT yêu cầu không nên tập viết chữ sớm cũng được, nhưng không cho học đọc chữ sớm và làm quen với toán sớm là sai lầm. Bộ cấm dạy trẻ ngoại ngữ sớm vì cho rằng nhồi nhét cũng không đúng, quan trọng là phương pháp dạy thế nào. 2 - 3 tuổi trẻ có thể học được Toán theo kiểu trò chơi sẽ phát triển tư duy và logic sớm. Cách dạy này không giống như ở tiểu học là theo tiết, theo bài nên trẻ không bị quá tải. Nếu ngành giáo dục vẫn chỉ quan tâm huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp mà “bỏ rơi” các bé dưới 3 tuổi là sai lầm. 

Ông có thể chứng minh phương pháp giáo dục sớm mang lại hiệu quả?

- Trên thế giới, giáo dục sớm đã được thực hiện từ 50 năm trước và đã thành công với nhiều mô hình. Chẳng hạn, GS Glenn Doman (Mỹ) với phương pháp giáo dục nhằm khơi dậy và phát triển trí thông minh của trẻ nhỏ được hình thành dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Kỹ năng đọc, khả năng toán học và năng lực nhận thức sâu và rộng. GS Shichida Makoto (Nhật Bản) tiến hành “cuộc cách mạng về giáo dục bán cầu não phải” nhằm phát triển hết tiềm năng… Tại Việt Nam, vài năm nay nhiều cá nhân, gia đình và các trường dạy theo phương pháp giáo dục sớm đã mang lại thành công. Nhưng nói thật, các trường bị ràng buộc bởi quy chế của Bộ GD&ĐT nên nhiều khi gặp trở ngại. 

Vậy theo ông, Bộ GD&ĐT sẽ phải làm gì đối với giáo dục sớm trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

- Bộ cần thay đổi tư duy, phải có chiến lược giáo dục cho trẻ em từ khi còn là thai nhi đến 3 tuổi và coi như một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân thì việc cải cách giáo dục mới mang lại thành công. Nếu không, chúng ta chậm một ngày sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.  

Xin cảm ơn PGS!