Chúng ta làm “nông nghiệp giải cứu”, “nông nghiệp từ thiện” đến bao giờ?

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản? Đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp?”.

Đó là chia sẻ của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt ra tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; và báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và quyết toán ngân sách Nhà nước 2016, sáng 25/5.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định: “Kết quả tích cực đạt được cũng thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sâu sát cơ sở, tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi sự năng động của thị trường từ Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời minh chứng vai trò của Chính phủ kiến tạo và hành động, kiên quyết tháo gỡ những ách tắc về thể chế để guồng máy vận hành minh bạch”.
 Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản?
Tuynhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, “bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần tập trung tháo gỡ”. Một trong số đó là “các vụ giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn”.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp dẫn chứng: “Giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản”. “Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản - đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.
Mong muốn xóa bỏ một “nền nông nghiệp giải cứu”, “nông nghiệp từ thiện”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: “Chúng ta cần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản”.
Tất nhiên, việc chuyển tư duy này không phải một vài mùa vụ, hay tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương tự phát triển khai, mà cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. “Muốn vậy, cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng, mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu đoàn Đồng Tháp, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn đại biểu Cần Thơ) cho rằng, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đã tăng trưởng tích cực, nhiều ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, Đại biểu cho biết nông nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo, sự gắn kết hiệu quả trong nông nghiệp vẫn chưa có.
Bên cạnh đó, trường hợp giải cứu nông sản vẫn diễn ra thường xuyên, thương hiệu nông sản chưa có, các nước nhập khẩu luôn đưa ra hàng rào cho nông sản Việt Nam. “Ví dụ, như vấn đề Châu Âu áp thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa khắc phục xong. Điều này khiến cho người sản xuất luôn hoang mang, lo lắng”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân dẫn chứng.
Do đó, ông đề nghị cần phải liên kết sản xuất, nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho nông sản, đẩy mạnh hợp tác chính quyền với người dân…
Trong khi đó, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần có 1 kịch bản cụ thể cho nông sản, nếu nông sản không xuất khẩu được thì phải có cách xử lý thế nào, tránh tình trạng nếu không xuất khẩu được lại kêu cứu. Đặc biệt, cần phát huy sức mạnh nhà nước trong xã hội hiện nay.
Cùng với đó, đại biểu đoàn Vĩnh Long đề nghị cần khắc phục những hạn chế đầu tư công trong nông nghiệp; sửa đổi mức hạn điền, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng chuyên canh lớn trong nông nghiệp; đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần