Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội trong năm 2022 - 2023.

Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo đó, kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý I và II/2022), tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành cả nước, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện đón khách du lịch quốc tế. Giai đoạn 2 (từ quý III/2022), dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy mặc dù các DN du lịch, khách sạn đã tích cực tổ chức các hoạt động đón khách quốc tế nhưng các DN du lịch đang lâm vào tình trạng “khủng hoảng nhân sự”.

Giám đốc Công ty du lịch Hana Tour Đỗ Văn Thắng than thở, là DN chuyên đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, nhưng thời điểm hiện tại công ty đang chật vật khi chưa thể tuyển đủ hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý với mức lương cao… Đồng tình với phản ánh này, đại diện chuỗi khách sạn Boutique khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, mặc dù đã mở cửa du lịch quốc tế nhưng đơn vị vẫn chưa thể mở lại toàn bộ chuỗi khách sạn bởi dịch Covid-19 đã khiến đơn vị cắt giảm nhân sự nên hệ thống khách sạn chưa thể mở cửa 100%.

Phân tích nguyên nhân khiến DN lữ hành, khách sạn khủng hoàng nhân sự kéo theo khó triển khai hoạt động thu hút khách quốc tế, Tổng Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực Du lịch Nhữ Thị Ngần cho biết, dịch Covid-19 đã khiến cho 95% DN ngừng hoạt động, 90% nhân lực trong ngành không có việc làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Hiện 1.550 khách sạn tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề, 34% tổng số lao động phục vụ khách sạn tạm thời không có việc làm, 18,3 % người lao động chấm dứt hợp đồng”-bà Ngần nêu ví dụ.

Phản ánh của các DN lữ hành, khách sạn cho thấy khi mở trở lại du lịch thì dịch vụ chưa được đồng đều, trong đó yếu tố tác động lớn đến từ nguồn nhân lực. Để giải quyết khó khăn này Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất, Sở Du lịch Hà Nội và UBNDTP Hà Nội cần hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản. Đồng tình với kiến nghị này Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cũng cho rằng, cơ quan quản lý du lịch cần hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, để đáp ứng được tiêu chí mới của ngành du lịch, nhất là đáp ứng yêu cầu "thích ứng an toàn dịch Covid-19".

Nhằm hỗ trợ DN du lịch, khách sạn giải quyết khó khăn về nhân lực, Sở Du lịch Hà Nội xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Thủ đô trong quá trình phục hồi.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ DN đào tạo lại nguồn nhân lực, trước mắt tổ chức rà soát lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại lực lượng lao động. Ngoài ra, phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng du lịch cộng đồng, nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách trên địa bàn TP Hà Nội.

“Thời gian tới các lớp tập huấn du lịch cộng đồng sẽ được triển khai qua đó nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ du khách tại các điểm du lịch, tham quan, các làng nghề, phố nghề. Bên cạnh đó cũng thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các đơn vị, DN du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch” - bà Giang khẳng định.

Thông tin về việc ngành du lịch Hà Nội chung tay cùng DN du lịch đẩy mạnh xây dựng sản phẩm phục vụ khách quốc tế, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, TP Hà Nội sẽ chung tay với các DN xây dựng sản du lịch truyền thống và mở rộng sang các loại hình du lịch phù hợp với tình hình mới. Đồng thời khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch được làm mới trên nền tảng các sản phẩm du lịch truyền thống, là thế mạnh trước đây của đơn vị.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề, như: Đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Đề án phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; Tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã... Đồng thời, Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành, các đơn vị điểm đến đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống; Đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh, TP xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến trong cả nước.

Từ nay đến hết năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ Trung tâm TP đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì. Đồng thời vận động các DN tham gia, quảng bá hình ảnh thông qua các sự kiện du lịch do TP Hà Nội tổ chức . Cụ thể, Chương trình Get on Hà Nội 2022, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội trình diễn kinh khí cầu, Lễ hội kích cầu du lịch…

Việc DN và Sở Du lịch Hà Nội chung tay xây dựng tour đặc trưng, giải quyết “bài toán” nguồn nhân lực sẽ nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến Thủ đô, qua đó thu hút du khách quốc tế trong thời gian tới.