Đời sống được chăm lo
Ở thôn Đồi Dùng, ai nấy đều biết câu chuyện thoát nghèo của chị Trần Thị Hồng. Cách đây chừng hai năm, gia đình chị vẫn thuộc hộ nghèo. Điều kiện kinh tế gia đình còn rất khó khăn. Việc đến trường của 5 người con đều nhờ vào hỗ trợ của Nhà nước, thông qua khoản vay ưu đãi dành cho học sinh – sinh viên. Chị Hồng cho biết, là hộ nghèo, hàng tháng gia đình vẫn được các ban, ngành TP trợ cấp, tặng quà mỗi dịp lễ, Tết. Hai năm gần đây, được sự hỗ trợ của Ban Dân tộc TP, Phòng Kinh tế huyện, chị Hồng tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi từ đất trồng lúa sang trồng sen kết hợp thả cá. Mỗi năm, giá trị kinh tế từ mô hình sen – cá mang lại ước tính hàng chục triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, gia đình chị đã bước đầu có “của ăn của để”.
Gia đình chị Hồng chỉ là một trong số những hộ đồng bào công giáo trên địa bàn xã An Phú thường xuyên nhận được hỗ trợ của Nhà nước những năm qua. Ông Bạch Văn Hà – Trưởng thôn Đồng Chiêm, cũng là một đồng bào công giáo cho biết, trên địa bàn xã có 5 thôn thì thôn nào cũng có đồng bào công giáo sinh sống. Trong đó, nhiều nhất là thôn Đồng Chiêm với khoảng 500 hộ. Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, vấn đề tôn giáo luôn được địa phương quan tâm. Hiện, toàn xã có một nhà thờ lớn và ba nhà niệm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân. Ông Hà cho biết thêm, không chỉ ở thôn Đồng Chiêm, tất cả các hộ nghèo trên địa bàn xã vẫn được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước. Cụ thể, trẻ em không phân biệt đồng bào dân tộc hay công giáo, khi đến trường đều được miễn giảm học phí. Hộ nghèo được trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, Ban Dân tộc TP phối hợp với các sở, ban ngành TP, các tổ chức xã hội hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các hộ nghèo để xây mới, sửa chữa, xóa nhà ở dột nát…
Còn nhiều việc cần làm
Tại xã An Phú hiện có 43% người dân theo đạo Thiên Chúa giáo và 57% đồng bào dân tộc Mường cùng sinh sống. Với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP, những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây nói chung (không phân biệt đồng bào dân tộc hay công giáo) đã được cải thiện đáng kể. Dẫu vậy, những nỗi lo chưa phải đã hết.
Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa – Chủ tịch UBND xã An Phú, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là tỷ lệ sinh con thứ ba đang có chiều hướng tăng trở lại. Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao (ước tính hết năm 2015 còn khoảng 8%); công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ… Nhận thức được những vấn đề nêu trên, những năm qua, với sự phối hợp của Ban Dân tộc TP, địa phương đã tích cực hướng dẫn người dân trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ vay vốn phát triển sản xuất…
Ông Nguyễn Tất Vinh – Trưởng ban Dân tộc TP - cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được TP giao, đơn vị đã chủ động triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc và công giáo xã An Phú. Ngoài các chương trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Kế hoạch số 166/KH-UBND, đơn vị đã liên kết với Sở LĐTB&XH tổ chức 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y, 2 lớp may công nghiệp và 2 lớp mây giang đan theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ cho đồng bào dân tộc và công giáo. Nhận thức An Phú là nơi có sự đan xen văn hóa tín ngưỡng nên những năm qua, Ban phối hợp cùng địa phương, Sở TT – TT, các sở, ban, ngành liên quan tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào dân tộc và công giáo nơi đây tạo môi trường sống lành mạnh, an ninh trật tự ổn định trong cộng đồng dân cư giúp tăng cường phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của địa phương.
Đường làng xã An Phú khang trang, sạch đẹp.
|