Gia tăng các vụ xâm hại trẻ em gái
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực phối hợp các sở ban ngành, vận động nguồn lực các tổ chức quốc tế để triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em và đưa ra những đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương để cải thiện môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Các cấp Hội đã triển khai nhiều nhóm, tổ, CLB, xây dựng các mô hình liên ngành, các mô hình hoạt động tại cơ sở có sự tham gia của chính quyền địa phương nhằm phối hợp hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Mô hình tư vấn liên ngành Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; Mô hình thành phố an toàn thân thiện cho phụ nữ, trẻ em; Làng quê an toàn; Chủ nhà trọ an toàn, Ban Tự quản chung cư an toàn... do Thành hội chỉ đạo cấp cơ sở Hội đề xuất cấp ủy, chính quyền thành lập và vận động sự tham gia tự nguyện của người dân. Xây dựng, nhân rộng các CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em”, CLB “Gia đình nói không với bạo lực”, CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình”...
Ký kết nhiều Chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng, các sở, ban, ngành hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em.
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Hà Nội và tổ chức Plan International Việt Nam, Hội đã triển khai thực hiện Dự án Thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em gái tại 5 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa với nhiều hoạt động. Cụ thể, đã tổ chức 32 lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ Hội chủ chốt các cấp và các ban, ngành liên quan kiến thức giới, phòng, chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái; tổ chức nhiều cuộc truyền thông quy mô lớn, hội thảo, tọa đàm, thi trực tuyến... để nâng cao nhận thức phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái...
Cùng với đó, hoàn thiện lắp đặt và đưa vào sử dụng 10 sân chơi tại 4 quận, huyện (Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ứng Hòa, Thanh Xuân), trao 20 tủ sách cho các nhà văn hóa khu dân cư, thôn; trưng bày mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái” và nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ an sinh khác cho phụ nữ, trẻ em gái trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Sau 3 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tính cần thiết xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em gái và đưa ra những đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương về những nội dung liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ dẫn báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.009 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ em gái - chiếm 89,8%. Trên địa bàn Hà Nội, trong 3 năm 2019-2021 có 387 vụ bạo lực gia đình; trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Báo cáo của TAND TP Hà Nội trong 3 năm 2019-2021 và 6 tháng đầu năm 2022 trên thành phố đã xét xử phát hiện 315 vụ xâm hại 359 trẻ em, đã xử lý hình sự 298 vụ (chiếm 94,6%), xử lý hành chính 8 vụ (chiếm 2,54%) và nổi lên là các hành vi xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ lớn (81,6%), trong đó trẻ em gái chiếm đại đa số.
Đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng
Tại hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành, Hội LHPN các cấp đã trao đổi, thảo luận về các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng. Công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh về phòng chống bạo lực học đường và công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khi bị xâm hại. Vai trò của các ngành trong tham gia giải quyết và tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm, khởi tố vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức Hội phụ nữ trong tham gia đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng tại địa phương…
Tham gia thảo luận, bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Phó Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện KSND TP Hà Nội) cho hay, đấu tranh với các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là hoạt động vô cùng khó khăn, khó ở nhiều phương diện, từ thu thập tài liệu, chứng cứ, từ công tác giám định và ngay từ chính phía bị hại và gia đình bị hại. Các vụ án thường xảy ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có đối tượng và nạn nhân tại hiện trường, không có nhân chứng trực tiếp. Trong khi các đối tượng bị tố giác được tư vấn biết là phạm tội rất nặng, thường ngoan cố, khai báo quanh co, chối tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi phạm tội. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết, do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các cháu, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng... nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết, chối bỏ trách nhiệm.
"Bên cạnh đó, một số trường hợp, sau khi bị xâm hại tình dục thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn nên rất khó để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng xâm hại. Nhiều vụ việc, người thực hiện hành vi phạm tội thỏa thuận bồi thường với gia đình người bị hại nên bị hại từ chối trình báo, hoặc thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó, gây khó khăn cho công tác điều tra giải quyết vụ án…" - bà Nguyễn Thị Vân Hồng thông tin.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh - Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Thanh Xuân cho hay, quận Thanh Xuân đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân. Nắm bắt kịp thời, lựa chọn vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để giám sát quá trình giải quyết vụ việc và việc thực thi pháp luật về bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và UBND phường nơi xảy ra vụ việc để tiếp cận, nắm thông tin và theo dõi tiến trình giải quyết vụ việc.
Cùng với đó, tăng cường kết nối, phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các chuyên gia trong lĩnh vực luật và giới để tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bảo đảm các vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Phối hợp với các cơ quan liên quan, gia đình, nhà trường và xã hội trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực cho phụ nữ và trẻ em…