Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chúng tôi rất muốn nhà giáo thực sự được tôn vinh!”

Thuỷ Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta luôn nói giáo viên là nghề cao quý. Thế nhưng, ứng xử của mọi người trong xã hội đối với nhà giáo trong suốt 365 ngày không được như vậy.

 TS Đỗ Hồng Cường

Bởi vậy, hôm nay (17/11), bên lề Hội thi nghiệp vụ giỏi cấp trường, TS Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội chia sẻ, rất muốn nhà giáo phải thực sự được tôn vinh trong 365 ngày, chứ không chỉ ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Để từ đó, các thầy cô có thêm động lực tiếp tục cuộc hành trình trên chuyến đò đưa người học đến những chân trời mới.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thi nghiệp vụ giỏi năm học 2017 - 2018, TS nhấn mạnh ĐH Thủ đô Hà Nội là trường trẻ nhưng không yếu. Ông có thể nói rõ hơn trong hoạt động này của nhà trường?

Trước hết, tôi muốn nói năm nay chúng tôi đổi mới cơ bản hình thức tổ chức Ngày hội nghiệp vụ giỏi cấp trường so với các năm trước. Đầu tiên, trường chuyển đổi từ đào tạo chuyên về Sư phạm sang đa ngành nên các hoạt động trong Hội thi đều hướng đến đa ngành. Thứ nữa, Hội thi hình thành kỹ năng tổ chức hoạt động cho sinh viên, thay vì phụ thuộc vào các thầy cô. Thứ ba, Hội thi có chủ đề rõ ràng về truyền thông nhà trường được thể hiện rất rõ trong các phần thi.

Mặc dù có bề dày và truyền thống 60 năm nhưng xét trên phương diện truyền thông của nhà trường ở trình độ ĐH vẫn còn non trẻ. Cho nên, mỗi thành viên của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, trong đó có sinh viên đều tham gia vào hoạt động truyền thông. Sau Hội thi, chúng tôi sẽ tổng kết và tìm cách đưa hình ảnh của nhà trường đến được với nhân dân Thủ đô.

Kỹ năng là một yếu tố rất quan trọng đối với giáo viên trong thời kỳ đổi mới giáo dục, sẽ được nhà trường trang bị như thế nào cho giáo sinh thông qua Hội thi này?

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Hội thi là hình thành các kỹ năng cho sinh viên. Có rất nhiều các kỹ năng, trong đó khả năng tổ chức sự kiện có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên SP và các ngành khác. Tiếp đến là kỹ năng thuyết phục, trình bày cũng sẽ được hình thành trong những phần thi. Tôi cũng hy vọng, làm việc nhóm là kỹ năng đang yếu của sinh viên sẽ được cải thiện.
Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tham gia Hội thi nghiệp vụ giỏi cấp trường.

Truyền thông về nhà trường là mục tiêu thứ hai. Chỉ hơn một năm nữa (2019), ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ tròn 60 năm tuổi - dấu mốc hết sức quan trọng trong lịch sử phát triển nhà trường. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, sôi động để chúng tôi truyền thông hình ảnh của nhà trường đến người dân Thủ đô.

Muốn nhiều người biết đến và đăng ký vào học thì trường phải nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng ta đang ở kỷ nguyên số, ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ có thay đổi thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục?

Hiện giờ các chương trình hoạt động ngoại khóa của nhà trường luôn hướng tới kỷ nguyên số. Nhà trường đang xây dựng chương trình “Xe đạp xanh” dành cho sinh viên nghèo. Ban đầu nhóm “Xe đạp xanh” dự tính hoạt động trên tinh thần sinh viên tự nguyện tham gia và có ý thức giữ gìn xe đạp. Nhưng, sau khi thảo luận, nhóm quyết định, đầu tư một khoản kinh phí để kết nối với những sinh viên nghèo sử dụng xe đạp thông qua ứng dụng CNTT. Từ đây, nhóm quản lý được những chiếc xe đạp đang ở đâu, vận hành ra sao, chất lượng thế nào. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa và chúng tôi tâm huyết trong vài năm tới sẽ có chương trình Ươm mầm tài năng trong toàn thể các lĩnh vực của trường.

Tôi muốn nói thêm, cuộc cách mạng 4.0 gõ cửa giáo dục rồi nhưng chúng ta đang có những bước chân hết sức rụt rè. Vai trò của người thầy trên bục giảng truyền thống ra sao, ý nghĩa của đào tạo trực tuyến thế nào và cơ chế chính sách để đáp ứng thay đổi hoạt động đang được chúng tôi soạn thảo để xây dựng chương trình. Trước tiên, chúng tôi ứng dụng đào tạo online trong chương trình bồi dưỡng. Sẽ có những pha kết hợp đào tạo truyền thống với trực tuyến khi thầy giáo đứng trên bục giảng. Để làm tốt điều này, đòi hỏi phải có công nghệ và thay đổi về cơ chế chính sách cho các hoạt động.

Chúng tôi hy vọng với ba mũi nhọn này sẽ mang đến thành công trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Xin cảm ơn ông!