Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuỗi hoạt động sáng tạo từ văn hóa truyền thống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành điểm hẹn của những người đam mê nghệ thuật lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa truyền thống.

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm. Ảnh: Lại Tấn
Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm. Ảnh: Lại Tấn

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật được khai thác, sử dụng làm địa điểm trưng bày, giới thiệu hàng loạt tác phẩm nghệ thuật đương đại lấy cảm hứng từ chất liệu di sản và lịch sử. Chuỗi trưng bày gồm 8 không gian nghệ thuật lớn, có chủ đề khác nhau với sự tham gia của hơn 40 nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sáng tạo.

Nổi bật trong số này là các phần trưng bày có chủ đề: “Diều tiên”, “Tiên-Rồng” và “Mơ tiên”. Cả 3 phần trưng bày này đều khai thác hình tượng tiên nữ - một tạo hình quen thuộc trong mỹ thuật dân gian xuất hiện trên khắp các mảng chạm khắc đình làng ở miền Bắc. Trong đó, “Diều tiên” là không gian giới thiệu tác phẩm Diều Tiên của ông Quan Hằng Cao và Lê Thanh Bình (đã tham dự các Festival Diều quốc tế) kết hợp với sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ Trí Minh; dự án “Tiên - Rồng” giới thiệu tác phẩm nghệ thuật từ sơn mài, lụa, giấy dó... lấy cảm hứng từ hình tượng cô tiên cưỡi rồng trong các chạm khắc đình làng; Không gian triển lãm sắp đặt “Mơ tiên” trình bày các phần nghiên cứu lịch sử hình tượng cô tiên cùng các bức tranh vẽ trước đây của một số họa sĩ từng lấy cảm hứng từ hình tượng cô tiên.

Một không gian nổi bật khác là không gian sắp đặt đèn lồng mang chủ đề “Cuộc gặp gỡ Xưa-Nay”. Họa sĩ Xuân Lam đã thiết kế 36 chiếc đèn lồng lấy cảm hứng từ tranh dân gian kết hợp kỹ thuật vẽ chì và ứng dụng kỹ thuật của đồ họa, qua đó viết tiếp câu chuyện của một nét đẹp văn hóa đã bị quên lãng trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó là các không gian sắp đặt: Game 3D “Air Skylen”; trưng bày tác phẩm “Trống - 50/50”; Triển lãm hiện vật ký ức 22 Hàng Buồm.

Bên cạnh đó, những chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó tiếp tục được ứng dụng và sáng tạo tương tác cùng những ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt, ứng biến đối thoại với không gian của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, từng là Hội quán Quảng Đông trước kia.

Chuỗi trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 30/11. Trong thời gian này, Ban Tổ chức sẽ thực hiện một số chương trình tọa đàm, đối thoại, như: Tọa đàm “Thúc đẩy cộng đồng sáng tạo trẻ và chế tác kỹ thuật số tại Hà Nội”, đối thoại tác giả, tác phẩm: Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế với không gian triển lãm dự án “Tiên - Rồng”.

Cùng với hoạt động trên, trong Lễ hội thiết kế sáng tạo, 50 hoạt động sẽ được tổ chức chủ yếu quanh không gian phố đi bộ Hồ Gươm, gồm Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Mơ Art Space... Cùng với đó là các địa điểm như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ) Bảo tàng Hà Nội (Nam Từ Liêm), Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (Gia Lâm).