Tham dự chương trình có nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền… cùng lãnh đạo các bộ ban ngành T.Ư, VCCI và TP Hà Nội.
Mở đầu chương trình, lễ khánh thành Học viện Hướng nghiệp ngành CNHT để hỗ trợ kết nối các trường nghề - công nhân kỹ thuật tới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước khi đến đầu tư sản xuất tại KCN HANSSIP.
Với mô hình đào tạo giáo dục hoạt động phi lợi nhuận, học viện sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội HANSIBA nói riêng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hình thành các startup, hỗ trợ các đề án, dự án nghiên cứu phát triển các lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Tại sự kiện, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng… cùng cộng đồng doanh nghiệp đã có những chia sẻ sát thực để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, điểm nhấn hướng đến để HANSSIP sẽ trở thành KCN kiểu mẫu thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước.
Ngoài ra, HANSIBA cùng các đối tác trong và ngoài nước đã bàn thảo, triển khai thực hiện hợp tác đầu tư, ký kết các hợp đồng thuê đất hạ tầng KCN.
Cùng với việc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tại sự kiện cũng diễn ra hoạt động trao các hợp đồng nguyên tắc về thuê đất giữa các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội như: Công ty Hikari Việt Nam, Công ty Biotech để các doanh nghiệp giữ chỗ, lập dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực nhựa, vật tư y tế…
Công ty SEIN I&D Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhu cầu khảo sát thuê đất lập dự án đầu tư vào Việt Nam cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với KCN HANSSIP để giữ chỗ cho nhu cầu thuê lên tới khoảng 160ha cho các dự án sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, logistics thông minh… và tổ chức đoàn doanh nghiệp sang khảo sát thực địa dự kiến vào tháng 3/2022 ngay sau khi các chuyến bay thường lệ quốc tế được nối lại.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận hợp tác, liên kết tổ chức cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ hình thành các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Chiều cùng ngày, tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội - HANSSIP đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng nhà ở xã hội - công nhân và chuyên gia. Dự án sẽ góp phần phát triển đồng bộ KCN, nâng cao chất lượng hạ tầng, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất nhu cầu của các doanh nghiệp thuê mặt bằng, đầu tư xây dựng các nhà máy, tổ hợp sản xuất tại đây.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng đánh giá, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
“Chuỗi các sự kiện nêu trên đánh dấu sự phát triển của HANSSIP và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam” - ông Nguyễn Hoàng chia sẻ.
Khẳng định phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp được TP xác định là khâu đột phá,ưu tiên thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5 - 9,0% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17 đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP để sớm hoàn thành, thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của Thủ đô. Đây cũng là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Kế hoạch số 246 ngày 1/11/2021 của UBND TP đã ban hành.
“Sự thành công của Dự án KCN HANSSIP sẽ là bước đi hết sức quan trọng nhằm tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Phú Xuyên theo hướng công nghiệp - dịch vụ” - ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng, thu hút nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong KCN, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành và UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Ban quản lý KCN và chế xuất với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn TP thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc, kịp thời tham mưu cho UBND TP các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành đồng bộ dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng tiến độ.
Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn N&G cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội KCN, thu hút nhà đầu tư thứ phát để phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Đồng thời, tập trung phát triển Học viện hướng nghiệp để có thể đào tạo ra nhiều nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.