Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình bình ổn giá: Mở rộng đối tượng tham gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chương trình bình ổn giá (BOG) trong thời gian qua đã thu được những thành quả nhất định nhưng lượng DN tham gia chưa nhiều. Đó là ý kiến của nhiều đơn vị, DN khi đánh giá Chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và phương hướng triển khai 2013 do Bộ Công Thương tổ chức (29/5).

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, có 45/63 tỉnh, thành triển khai Chương trình BOG; Tổ chức 8.500 điểm bán hàng BOG… Tuy nhiên, hoạt động BOG thời gian qua cho thấy, tại một số địa phương lượng hàng dự trữ cho chương trình này còn ít so với nhu cầu thực tế; Các điểm bán hàng tuy đã được mở rộng nhưng chủ yếu tại các khu vực nội thành, chưa chú trọng mở điểm bán hàng tại khu vực ngoại thành…
 
Chương trình bình ổn giá: Mở rộng đối tượng tham gia - Ảnh 1
 
Mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro.Ảnh: Hoài Nam.
 
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan than thở:  Hiện, việc hỗ trợ vốn vay mới chỉ tập trung cho DN phân phối, chưa hỗ trợ nhiều cho các DN sản xuất hàng hóa để tạo đầu ra ổn định. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, các địa phương thiếu sự phối hợp với DN trong việc tạo nguồn hàng, dẫn đến tình trạng khi giá thị trường lên, nông dân phá hợp đồng cung ứng, bán hàng ra thị trường kiếm lời. Khi giá xuống, lại yêu cầu DN phải mua vào dự trữ trong kho, dẫn đến DN bị "đọng vốn"...

Trước những hạn chế của Chương trình BOG, đại diện một số DN nêu ý kiến, trong những thời điểm nhất định khi mặt hàng nào đó có biến động về giá, cơ quan quản lý có thể dồn toàn bộ chương trình thực hiện việc bình ổn mặt hàng đó. Bên cạnh đó, nên cho phép DN điều chỉnh giá bán hàng bình ổn cho phù hợp với diễn biến thị trường. Nhà nước cần có chính sách giúp người dân kích cầu mua sắm, từ đó nâng sức tiêu thụ hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tạo nguồn hàng Chương trình BOG, trong thời gian tới, ngành công thương Hà Nội sẽ tích cực tổ chức đợt đưa DN Hà Nội liên kết với DN các tỉnh bạn trong việc khai thác nguồn hàng; Phát triển các điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh khu vực ngoại thành. 

Trong khi đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai lại có cách làm sáng tạo khác, ngoài các DN thương mại tham gia chương trình còn có sự góp mặt của các tổ chức tín dụng. Việc làm này nhằm hỗ trợ DN tham gia Chương trình BOG có thêm nguồn vốn lãi suất phù hợp cho dự trữ hàng hóa. Để Chương trình BOG trở thành công cụ quản lý thị trường hữu hiệu, hoạt động hỗ trợ không nên chỉ dành riêng cho DN phân phối mà cả DN sản xuất. Tuy nhiên, việc cần thiết hiện nay là Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý; Có cơ chế kêu gọi mọi thành phần DN cùng tham gia chương trình này, từ đó giảm được giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ hàng hóa.