Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Bồi dưỡng giáo viên cốt cán

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD&ĐT đã và đang tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng với hàng chục nghìn giáo viên (GV) cốt cán tại 63 tỉnh, TP trên cả nước.

Khoá bồi dưỡng Chương trình GDPT mới cho hàng chục nghìn GV tiểu học cốt cán đã được các trường như Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức với mục tiêu tập huấn cho 28.000 GV (dự kiến) cốt cán các trường phổ thông.
Theo đó, các GV được hướng dẫn phương pháp thực hiện các môn học. Từ đó, GV hiểu rõ hơn về những điểm mới, quan điểm xây dựng chương trình môn học và mục tiêu của chương trình, đồng thời nắm bắt được phương pháp giáo dục phù hợp để triển khai chương trình mới một cách hiệu quả.
 Chương trình GDPT mới triển khai từ năm học 2020 -2021. Ảnh minh họa
Tại các tỉnh, TP phía Bắc, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức khai mạc đợt 1 khoá bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho GV.

Hiệu trưởng GS Nguyễn Văn Minh cho biết, năm 2019 nhà trường được giao trọng trách bồi dưỡng hơn 5.000 GV phổ thông cốt cán của 10 tỉnh, TP phía Bắc về Chương trình GDPT mới. Trong đợt tập huấn đầu tiên này, có 1.870 GV tham gia bồi dưỡng tại 2 cơ sở của trường ở TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Nội dung của khoá bồi dưỡng, ngoài giới thiệu chương trình tổng thể, chương trình các môn học của Chương trình GDPT mới, GV sẽ được tập trung tìm hiểu, hướng dẫn những phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tham dự khoá bồi dưỡng này, các GV có nhiệm vụ trở về địa phương để hướng dẫn GV đại trà cùng triển khai tốt Chương trình GDPT mới.

Công tác bồi dưỡng GV chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới được tổ chức theo hướng chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng. Theo đó, GV có 5 ngày tìm hiểu trước tài liệu học tập qua mạng, sau đó bồi dưỡng tập trung 3 ngày với hình thức chủ yếu là thảo luận nhóm. Kết thúc khoá bồi dưỡng tập trung, GV có 7 ngày để tự tìm hiểu sâu các nội dung, phương pháp giáo dục mới và làm bài tập để đánh giá kết quả khoá tập huấn. Chỉ những người vượt qua bài tập này và được đánh giá tích cực trong quá trình bồi dưỡng mới được trường Sư phạm cấp chứng nhận hoàn thành khoá học.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên cốt cán và tiếp đến là tổ trưởng bộ môn các trường phổ thông của cả nước. Tại ĐH Vinh, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông về thực hiện Chương trình GDPT mới từ ngày 29 - 31/10.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn dùng hết tư duy, năng lực của mình ngay từ khóa bồi dưỡng này. Lấy mục tiêu chất lượng là mục tiêu số 1 trong lớp học, học tập cách thức tổ chức lớp học, triển khai ở thực tế tốt hơn.

Sau khóa học, các tổ trưởng chuyên môn phải đạt được 3 yêu cầu: Nắm được Chương trình GDPT mới; Nắm được chương trình bộ môn mình phụ trách cùng với phương pháp giảng dạy; Nắm được cách đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Từ đó, góp phần bồi dưỡng GV đại trà, để khi thực hiện chương trình mới không thấy bị động, mà tự tin chờ đón.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn GV nắm rõ 5 thay đổi tư duy quan trọng này để phát huy trách nhiệm của mình, nhận thức được mình cần phải làm gì trong thực hiện Chương trình GDPT mới và thay sách giáo khoa.

Tại 19 tỉnh/, TP phía Nam, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tập huấn cho 8.000 GV cốt cán thực hiện Chương trình GDPT mới. Trong đó, cụm Cần Thơ có 1.971 GV của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long được lựa chọn tham gia. Phó Hiệu trưởng PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, khoá tập huấn gồm 5 ngày online, 3 ngày trực tiếp và tiếp tục 7 ngày online.

Trong đợt bồi dưỡng trực tiếp, các GV sẽ được hướng dẫn tìm hiểu về Chương trình GDPT tổng thể và thực hiện 19 chương trình môn học, hoạt động giáo dục đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn đồng nghiệp tại trường và địa phương.
Để cho Chương trình GDPT mới triển khai từ năm học 2020 -2021, trong những năm qua, các trường đã áp dụng các mô hình tiên tiến tiệm cận với chương trình, đặc biệt là bậc tiểu học.

Với THCS, THPT, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương không để các thầy cô bất ngờ. Trong đó, Bộ đã ban hành văn bản 4612 yêu cầu dạy học theo hướng tiếp cận năng lực ngay trong Chương trình Giáo dục hiện hành.