Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đơn giản hóa thời khóa biểu

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tích hợp liên môn học là một trong những điểm nhấn của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nhằm giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên, đây là nỗi băn khoăn của nhiều trường trong việc bố trí thời khóa biểu sao cho hợp lý để không xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Nhà trường chủ động
Trong chương trình GDPT mới, ở cấp THCS, các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa Lý được tích hợp thành một môn học chung. Tổng chủ biên chương trình GDPT mới Nguyễn Minh Thuyết cho hay, gọi là tích hợp nhưng thực chất việc tích hợp này mới ở mức độ thấp nên không ảnh hưởng nhiều đến việc sắp xếp thời khóa biểu hay phân công giáo viên dạy trong trường học.
 Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, chương trình GDPT mới chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần như các chương trình trước đây. Điều này cho phép các trường chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học.

"Việc xây dựng “Kế hoạch trường học” phải làm đồng bộ, có kế thừa và phát triển, sáng tạo, lấy đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu của chương trình GDPT mới, đặc biệt trong xây dựng thời khóa biểu." - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Hà Nội Lê Ngọc Quang
Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích: “Trong chương trình sẽ có hướng dẫn rõ ràng cho từng mạch chủ đề với tỷ lệ phần trăm của các môn tích hợp. Như vậy, việc sắp xếp thời khóa biểu theo các yêu cầu, điều kiện của nhà trường sẽ được linh hoạt. Chúng ta có thể sắp xếp thời khóa biểu chu kỳ theo nửa kỳ. Trong vòng nửa kỳ đó, có thể thực hiện hết một mạch kiến thức môn Hóa, nửa kỳ tiếp theo sẽ đi hết mạch kiến thức môn Sinh, nửa kỳ tiếp theo nữa sẽ đi hết mạch kiến thức của môn Vật lý. Với cách sắp xếp như thế, các trường sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thời khóa biểu một cách phù hợp”.

“Kế hoạch trường học” làm cơ sở

Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ, có thể dựa vào “Kế hoạch trường học” mà các trường xây dựng hàng năm làm cơ sở để thiết kế môn học theo chương trình GDPT mới, chủ động đón nhận môi trường sách giáo khoa mới. “Ở mỗi môn học đều có kế hoạch bộ môn riêng với bao nhiêu tiết và bao nhiêu chuyên đề. Từ đó, xây dưng các bộ môn liên quan đến nhau có bao nhiêu chuyên đề chung và ai chịu trách nhiệm chính cho các tiết học này. Việc xây dựng kế hoạch phải có sự tham gia góp ý của các giáo viên trong hội đồng, vừa đảm bảo tính chuyên môn, kinh nghiệm vừa đảm bảo tính đổi mới, sáng tạo của giáo viên mới” - cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp gợi ý.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường THPT Ngọc Tảo Tô Văn Nhân chia sẻ, khi xây dựng “Kế hoạch trường học” cần bám sát mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu riêng của nhà trường và xem xét cơ sở vật chất của nhà trường có đáp ứng được không. Theo thầy Nhân, nên tìm hiểu xung quanh trường có các tổ chức chính trị nào, cơ sơ sản xuất, cơ sở sinh thái nào có thể đáp ứng cho các hoạt động trải nghiệm, các tiết học chủ đề chung của học sinh hay không, từ đó xây dựng thời khóa biểu một cách chi tiết và hợp lý.

"Với giáo viên giảng dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, thực chất rất nhiều người đã được đào tạo 2 môn nhưng đang giảng dạy một bộ môn nhất định. Trong cơ cấu một nhà trường có khoảng 32 lớp, mỗi khối có 8 lớp nên cần khoảng 3 giáo viên Vật lý, 2 giáo viên Hóa học và 4 giáo viên Sinh học. Theo đó, việc phân công, bố trí thực hiện theo thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên là hoàn toàn khả thi." - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành