Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Lo thiếu phòng học chức năng

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, yêu cầu phải có các loại phòng học chức năng riêng biệt.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sẽ không đủ không gian trải nghiệm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
“Một lớp hát cả trường nghe”
Trong năm học mới, cả nước có gần 75% trong tổng số hơn 567.000 phòng học đủ tiêu chuẩn kiên cố (đạt tỷ lệ 90%). Theo quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) TS Thái Văn Tài, với 15.525 trường (1,39 trường tiểu học/xã, phường), tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học trên toàn quốc học 2 buổi/ngày hiện đạt gần 80%.
 So với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, nhiều trường học vẫn đang thiếu phòng học, thiết bị dạy và học, đặc biệt là thiếu không gian trải nghiệm.
Trung bình chung cả nước, tỷ lệ phòng học của cấp tiểu học là 0,89%, chưa đảm bảo mỗi lớp có một phòng học riêng, trong khi đó để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì điều kiện tối thiểu là 1 lớp/phòng học.
Trong chương trình giáo dục hiện hành, nhiều trường học, đặc biệt ở các địa phương nghèo vẫn chưa đủ phòng học, thiết bị dạy học và thậm chí thiếu không gian trải nghiệm. Thực tế, vì thiếu phòng dành riêng cho nghệ thuật nên giờ học Âm nhạc, HS phải học ở phòng chính khóa, nhiều lúc một lớp hát cả trường nghe thấy.
Chương trình GDPT mới yêu cầu có các loại phòng chức năng riêng biệt như phòng Giáo dục Nghệ thuật, phòng Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ… Nhiều mối lo được đặt ra khi một năm nữa các trường khó có thể chuẩn bị được phòng học này.
Là trường ngoài công lập được đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT mới khi thiếu khu thể dục và phòng học bộ môn Công nghệ, Nghệ thuật… Trường Tiểu học Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội có 20 lớp và 18 phòng học.
Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, theo Chương trình GDPT mới, các trường phải đáp ứng phòng học để đảm bảo 2 buổi/ngày, với số phòng học của nhà trường như vậy sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu. Hiện nhà trường đang thiếu phòng Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật và khu tập thể dục…
Phải chuẩn bị ngay từ bây giờ
Bên cạnh việc xây dựng thêm phòng học mới, đảm bảo cơ sở vật chất, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến yêu cầu các địa phương cần bổ sung phòng học bộ môn và phòng học chức năng. Tuy nhiên, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ thì phải có cơ chế giám sát, phối hợp chặt chẽ để tránh lãng phí.
Bộ GD&ĐT cho phép nâng tầng nếu trường học đủ điều kiện. Hệ thống phòng chức năng, hiệu bộ, hành chính được chuyển lên tầng cao, dành các tầng thấp làm phòng học cho HS. Các trường xem xét và bỏ quy định về diện tích phòng học, có thể đưa ra một vài phương án, linh động với tình hình thực tế địa phương.
Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn Nguyễn Quốc Bình cho biết, hiện nhiều trường còn thiếu phòng học, đồ dùng, các thiết bị thí nghiệm… Từ nay đến khi thực hiện Chương trình GDPT mới không còn nhiều thời gian, do đó Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch triển khai cụ thể đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ triển khai Chương trình GDPT mới và sách giáo khoa, còn nguồn kinh phí phụ thuộc vào từng địa phương và các bộ, ngành. Điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành khác để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, để chuẩn bị đầy đủ phục vụ Chương trình GDPT mới, trách nhiệm liên ngành, thống nhất từ T.Ư xuống địa phương là điều cần thiết.
Theo đó, ngoài đảm bảo trường lớp, trang thiết bị dạy học, còn phải bảo đảm các điều kiện hạ tầng về giao thông, không gian trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường (bảo tàng, thư viện…) để hỗ trợ việc học tập của HS.

"Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà tại Hà Nội cũng là thách thức lớn. Để chuẩn bị cho năm học mới, Hà Nội đã xây dựng 70 trường học và sửa chữa 387 trường nhưng ở những nơi đông dân cư vẫn thiếu trường, lớp. Không chỉ vậy, nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu và lạc hậu." - GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới