Công nghệ thực phẩm - ngành học với sức khỏe
Kinhtedothi - Trong xã hội hiện nay, ngành công nghệ thực phẩm giữ vai trò quan trọng với việc bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ngành học này còn đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và chuyên gia, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Lĩnh vực đa ngành
Tốc độ phát triển dân số nhanh làm nhu cầu tiêu dùng liên quan đến mặt hàng chế biến tại Việt Nam ngày càng gia tăng; đặc biệt là nhu cầu về sản phẩm được chế biến sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài các lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn là thị trường lớn về thực phẩm xuất khẩu như nông - thủy - hải sản. Công nghệ thực phẩm là yếu tố không thể thiếu trong phát triển lĩnh vực quan trọng này.
Công nghệ thực phẩm là một lĩnh vực đa ngành, áp dụng các nguyên tắc khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói các sản phẩm liên quan đến thực phẩm. Các kỹ sư sẽ sử dụng kiến thức về hóa học, sinh học, vi sinh, cùng việc tuân theo các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt để phát triển thực phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng và hấp dẫn. Cùng với đó, các nhân sự cũng nghiên cứu phương pháp, cách thức đổi mới các sản phẩm hiện có dựa trên việc xem xét hương vị, kết cấu, giá trị dinh dưỡng và sở thích của người tiêu dùng; đồng thời kéo dài thời hạn sử dụng mà vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị tươi ngon của thực phẩm.
Nhu cầu về thực phẩm sạch, bền vững càng cao thì nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thực phẩm càng lớn. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành đào tạo về công nghệ thực phẩm gồm hệ cử nhân và kỹ sư. Cốt lõi của việc đào tạo ngành này là cung cấp nền tảng vững chắc, ứng dụng khoa học vào sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chung, tạo cơ hội cho người học tiếp xúc và thực hành trực tiếp trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với các công việc phân tích thực tế, đánh giá mức độ vệ sinh an toàn và tiến hành các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Nhiều học sinh quan tâm đến ngành công nghệ thực phẩm - một trong những ngành hấp dẫn hiện nay. Ảnh: Q.M
Theo học ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên được trang bị những kiến thức về bảo quản, chế biến, đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất. Ngành học này đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà nghiên cứu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và đây là nguồn nhân lực cốt lõi trong các DN chế biến thực phẩm.
Tại Việt Nam, có rất nhiều cơ sở giáo dục uy tín đào tạo ngành công nghệ thực phẩm như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Công Nghệ TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh…
Khác với các chương trình đào tạo truyền thống hiện nay về công nghệ thực phẩm tại Việt Nam, cùng việc đào tạo những kỹ sư có kiến thức vững chắc về thực phẩm và công nghệ thực phẩm, chương trình Công nghệ thực phẩm và Sức khỏe tại Trường Đại học Việt Nhật còn chú trọng vào khía cạnh sức khỏe, những ảnh hưởng của thực phẩm, đặc tính dinh dưỡng của nó và nhu cầu ăn kiêng của các cá nhân. Khía cạnh sức khỏe của chương trình cũng tập trung vào việc áp dụng các thực hành an toàn, hợp vệ sinh, được cung cấp đầy đủ thông tin trong quá trình chuẩn bị thực phẩm.
Trong khi đó, Chương trình khoa học và công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được thiết kế hiện đại, gồm các môn học cơ sở và chuyên ngành, cập nhật các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới trong thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân tích và kiểm soát chất lượng thực phẩm phù hợp với mục tiêu làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiến lược của Việt Nam. Chương trình cũng được thiết kế với một số lượng lớn các giờ thực hành, thực tế, các dự án nhóm, qua đó cung cấp cho sinh viên những kỹ năng thực tiễn, khả năng nghiên cứu độc lập, chủ động cùng khả năng làm việc theo nhóm; giúp các em thích ứng tốt với nhiều yêu cầu công việc khác nhau của ngành.
Cơ hội việc làm rộng mở
Dù sở hữu nhiều tài nguyên, thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản nhưng các dòng thực phẩm chế biến tại Việt Nam vẫn chưa được chú trọng phát triển. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có khả năng sử dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm chất lượng.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chế biến sạch đang tăng cao thì công nghệ thực phẩm càng trở thành một trong những ngành học được đánh giá là hot nhất hiện nay.
Tốt nghiệp kỹ sư/cử nhân ngành công nghệ thực phẩm, người học có thể đảm nhận công việc ở các vị trí: chuyên viên kiểm định/quản lý chất lượng tại các nhà máy, công ty thực phẩm; kỹ sư công nghệ thực phẩm; chuyên gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu; kỹ thuật viên sản xuất; chuyên gia dinh dưỡng; chuyên viên vận hành, điều khiển dây chuyền sản xuất tại nhà máy; giảng viên đại học... Tùy thuộc theo vị trí làm việc, số năm kinh nghiệm và quy mô công ty, đơn vị mà mức lương của nhân sự ngành công nghệ thực phẩm có thể khác nhau; tuy nhiên, mức lương của ngành này được đánh giá là tương đối cao, thậm chí có thể lên mức 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Với dân số 100 triệu dân cùng thế mạnh về nguồn nguyên liệu phong phú, đặc sắc về các nhóm hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, rau quả cộng nhiều chính sách ưu đãi và môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thông qua vào đầu tháng 2/2020 tiếp tục mở ra cơ hội cho các DN chế biến thực phẩm thâm nhập vào các thị trường tiềm năng tại nước ngoài. Công nghệ chế biến thực phẩm được Chính phủ lựa chọn là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Do đó, trong tương lai, đây vẫn là một ngành học hấp dẫn với triển vọng việc làm rộng mở tại các DN nội địa lẫn các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Trích dẫn
Các trường đại học hiện áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh đối với ngành công nghệ thực phẩm như: xét tuyển kết hợp, xét tuyển học bạ, xét tuyển kết quả các kỳ thi riêng hoặc xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp xét tuyển được các trường sử dụng để tuyển sinh ngành này thường là: A00 (toán, lý, hóa), B00 (toán, hóa, sinh), A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh), D06 (toán, văn, tiếng Nhật…).

Sinh viên báo chí lo lắng tìm việc làm đúng ngành học
Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập các cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn. Với việc sáp nhập này, sinh viên báo chí lo lắng sẽ gặp khó khăn khi tìm công việc đúng với ngành đã học.
Robot và trí tuệ nhân tạo - ngành học mới đầy sức hút
Kinhtedothi - Với sự ra đời của AI, lao động ở không ít ngành được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Khoa học vật liệu - ngành học gắn liền với sự phát triển của công nghệ
Kinhtedothi - Trong thời đại công nghệ phát triển, việc đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ngành khoa học vật liệu có ý nghĩa rất lớn đối với khoa học kỹ thuật cũng như nhu cầu cuộc sống của con người.