Chương trình giáo dục phổ thông mới: Ngăn chặn biến tướng trong hoạt động trải nghiệm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) ở cấp tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (HĐTN,HN) ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là hoạt động bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với thời lượng 3 tiết/tuần.

Nhiều ý kiến lo ngại hoạt động này sẽ có nhiều biến tướng nếu giữa nhà trường và các công ty du lịch có thỏa thuận “ngầm”.
Trải nghiệm hay rải tiền

Thời điểm hiện tại, sau khi kết thúc học kỳ I, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội lên kế hoạch cho học sinh (HS) đi tham quan, dã ngoại. Đây là cơ hội để các em giao lưu, học hỏi, vui chơi xả stress sau một đợt thi cử. Địa điểm được các trường lựa chọn cũng đa dạng, từ các khu sinh thái, khu di tích lịch sử hay các trang trại giáo dục với đa đạng các HĐTN. Tuy địa điểm đi gần hay xa, số tiền HS phải đóng dao động từ khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Ít có phụ huynh nào phản đối việc đi tham quan của con em mình, nhưng chắc chắn không ít người sẽ đặt câu hỏi “số tiền đóng này bao nhiêu phần trăm dành cho chi phí đi tham quan”.
 Học sinh tiểu học tại Hà Nội tham gia một buổi trải nghiệm thực tế. Ảnh: Phạm Hùng
Anh Lưu Văn H. (phụ huynh HS trường Tiểu học An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh cũng làm trong ngành du lịch nên biết rõ số tiền mỗi HS đóng cho một chuyến đi tham quan thực chất sử dụng như thế nào. Song, vì muốn con được đi chơi với các bạn nên anh cũng không mấy bận tâm. Tuy nhiên, khi được biết thông tin trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng, HĐTN là hoạt động bắt buộc, anh H. cũng đôi chút băn khoăn nhà trường sẽ “lợi dụng” việc này để kinh doanh.

Đồng quan điểm với anh H., chị Nguyễn Thị N. (phụ huynh HS trường THCS Ngũ Hiệp) bày tỏ, với những gia đình có điều kiện, số tiền này không đáng là bao nhưng với hộ gia đình nghèo như chị thì là cả một vấn đề. Trước đây, một năm học có 2 lần đi tham quan gia đình tôi cũng cố lo cho cháu, giờ tuần nào các cháu cũng đi trải nghiệm, nếu phải đóng góp nhiều thì chúng tôi khó bề lo được" – chị N. băn khoăn.

"Giáo viên nào cũng có thể dạy trải nghiệm

Từ trước đến nay các nhà trường vẫn tổ chức cho HS tăng cường các HĐTN, tuy nhiên các hoạt động này chưa thường xuyên, bài bản. Nếu HS tham gia nhiều HĐTN được tổ chức tốt sẽ hình thành những kỹ năng sống cần thiết. Trong khi đó, thời gian được đào tạo trong trường sư phạm, các giáo viên đã được đào tạo cả hai nội dung dạy học và giáo dục. Vì vậy, bất cứ giáo viên nào hiện nay ngoài việc dạy học cũng đều có thể tham gia đảm nhận việc hướng dẫn HĐTN cho HS. Chưa kể, lâu nay trong các trường, đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội... cũng là lực lượng có chuyên môn để đảm trách hướng dẫn các HĐTN chung. Tuy nhiên, chương trình được áp dụng, giáo viên sẽ được bồi dưỡng, tập huấn thêm." - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm

Ở khía cạnh khác, chất lượng các chuyến dã ngoại cũng là việc cần phải bàn. Có trường mấy năm liền cho các con đi xem xiếc, xem rối nước, có trường lại nhiều lần tổ chức đến một điểm tham quan quen thuộc khiến các con nhàm chán. Thậm chí, đã có những chuyến tham quan dã ngoại xảy ra trường hợp HS thiệt mạng vì đuối nước, ngã vách núi khiến phụ huynh lo sợ.

Trải nghiệm ngay tại địa phương

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ở cấp tiểu học, nội dung HĐTN tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với HS cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi. Ở cấp THCS, nội dung HĐTN, HN tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và HĐTN. Đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của HS. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung HĐTN, HN ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết cho hay, HĐTN, HN không nhất thiết phải là các chuyến tham quan dã ngoại. “Địa phương nào hầu như cũng có các di tích lịch sử, di tích cách mạng, đó có thể là điểm đến trong tiết HĐTN. Hay các trường có thể mời các đồng chí cựu chiến binh, cán bộ tham gia cách mạng đến nói chuyện với HS. Hoặc có thể kết nối đưa các em đến tham quan khu vực sản xuất tại một DN nào đó của địa phương, đi thăm các gia đình chính sách, thăm và giao lưu với làng trẻ SOS... Ngoài ra, vào các dịp lễ lớn trong năm như Trung thu hay Tết Nguyên đán có thể tổ chức ngay tại trường cho các em tham gia vào các hoạt động làm bánh, làm đèn ông sao, gói bánh chưng. Nếu trường nào có điều kiện, phụ huynh có điều kiện tổ chức đi tham quan, dã ngoại thì phải đảm bảo an toàn cho HS”- GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý. Bên cạnh đó, GS Thuyết nhấn mạnh, nếu phụ huynh thấy tình trạng nhà trường “quá đà” hay lợi dụng các HĐTN thì cần phản ánh với ban phụ huynh, ban giám hiệu, thậm chí phản ánh với cơ quan quản lý để xử lý.

4 phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm

Phương thức Khám phá: Là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho HS trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, giúp HS khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước. Nhóm phương thức tổ chức này bao gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự khác.

Phương thức Thể nghiệm, tương tác: Là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho HS giao lưu, tác nghiệp và thể nghiệm ý tưởng như diễn đàn, đóng kịch, hội thảo, hội thi, trò chơi và các phương thức tương tự khác.

Phương thức Cống hiến: Là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho HS mang lại những giá trị xã hội bằng những đóng góp và cống hiến thực tế của mình thông qua các hoạt động tình nguyện nhân đạo, lao động công ích, tuyên truyền và các phương thức tương tự khác.

Phương thức Nghiên cứu: Là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho HS tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhờ cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế, qua đó đề xuất những biện pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học. Nhóm hình thức tổ chức này bao gồm các hoạt động khảo sát, điều tra, làm dự án nghiên cứu, sáng tạo công nghệ, nghệ thuật và các phương thức tương tự khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần