Chương trình hành động khi đi ứng cử không thể bị xếp vào ngăn kéo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – Vũ Mão đã tỏ rõ quan điểm của mình về chương trình hành động của các ứng viên đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) và Hội đồng Nhân dân (HĐND).

Cụ thể, trong buổi giao lưu trực tuyến “Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân”, nhà báo Trương Thành Trung - Trưởng ban báo điện tử đã đặt vấn đề: “Vận động bầu cử quan trọng là chương trình hành động cụ thể và việc thực hiện chương trình đó. Có ý kiến cho rằng, vẫn tồn tại không ít những “lời hứa suông", chỉ nói để lấy lòng cử tri của các ứng cử viên ĐB QH và HĐND trong chương trình hành động chứ việc thực hiện sau trúng cử lại không như những gì đã hứa”.

Ông Vũ Mão đã thẳng thẳn cho rằng: “Đến thời điểm này, tôi tin chắc là các ứng viên đã có chương trình hành động của riêng mình. Tuy nhiên, vấn đề là phải tuyên truyền về chương trình hành động này theo quy định của pháp luật sao cho hiệu quả. Không chỉ trên Đài PTTH Hà Nội, báo Hà Nội mới, báo Kinh tế & Đô thị và các tờ báo khác trên địa bàn Thủ đô nên tạo điều kiện cho các ĐB. Ngoài đăng tải chương trình hành động nên có thêm phần bình luận của cử tri.
Chương trình hành động khi đi ứng cử không thể bị xếp vào ngăn kéo - Ảnh 1
Theo tôi, chương tình hành động của ứng cử viên phải xây dựng cụ thể, công phu và tính tới khả năng có thể thực hiện được.

Như tôi đã nói, cử tri phải được thảo luận về chương trình hành động của các ứng cử viên. Sau khi nghe góp ý, chương trỉnh hành động ấy phải được quản lý. Trên thực tế, mỗi điểm bầu cử có khoảng 30-40 vạn cử tri nhưng chỉ tổ chức có 2-3 cuộc tiếp xúc, mỗi cuộc chỉ có khoảng 100 cử tri. Tính ra như thế ứng viên chỉ được tiếp xúc với khoảng 1% cử tri khiến bầu cử chưa thực sự trở thành ngày hội toàn dân.

Theo tôi, các ứng cử viên rất muốn tiếp xúc cử tri để ngồi với bà con chuyện trò nhưng hiện luật đang hành chính hóa quyền được tiếp xúc với cử tri của ứng viên và quyền được trao đổi với ứng viên của cử tri.

Nói về vận động bầu cử, quy định của luật là đăng chương trình hành động và được phát trên truyền hình Hà Nội chỉ dành cho ĐB QH với thời lượng từ 3-5 phút, các báo cũng không đăng hết. Như thế, quyền cho ứng cử viên ít quá nên người dân chưa hiểu rõ, cụ thể từng ứng cử viên mặc dù có gửi thông tin tiểu sử của ứng cử viên. Theo tôi, nên để tỷ lệ cử tri được tiếp xúc với ứng viên lên mức 10% trở lên.”

Nhà báo Trương Thành Trung tiếp tục đặt vấn đề: “Hiện giờ dân trí cao do vậy lúc tiếp xúc cử tri, ứng cử viên phải thể hiện được tâm huyết thật của mình. Ông nghĩ thế nào về điều này?”.

Ông Vũ Mão cho biết: “Đây là điều đặc biệt quan trọng cần được các ĐB quan tâm. Bởi khi đã được bầu là ĐB, người đó có trách nhiệm phải thường xuyên báo cáo với cử tri về “lời hứa” của mình. Chương trình hành động khi đi ứng cử không thể bị xếp vào ngăn kéo mà phải báo cáo hàng năm, tổ ĐB nhận xét về những việc làm được và chưa làm được… Người dân được quyền chất vấn ĐB về những vấn đề còn bức xúc. Đoàn ĐB QH và MTTQ phải là cơ quan quản lý, theo dõi và giám sát công việc này.”

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức chia sẻ thêm: “Cuộc bầu cử lần này góp phần củng cố nhà nước pháp quyền, tiến tới bình đẳng và hạnh phúc cho người dân. Ý kiến của các ĐB đã đưa đến cho người đọc và cử tri những thông tin mới nhất về các điểm đổi mới của Luật bầu cử QH và HĐND, thể hiện tính dân chủ trong các cuộc hiệp thương, tạo ra không khí thực sự dân chủ trong xã hội.”

Chương trình hành động của ứng cử viên bầu cử ĐB QH và HĐND là một vấn đề được đông đảo độc giả quan tâm, qua kinh nghiệm và trả lời của ông Vũ Mão, nhiều ứng cử viên đều nhận thấy rằng chương trình hành động vô cùng quan trọng, thể hiện thái độ, tinh thần, trí tuệ, trách nhiệm của mình với Nhân dân và cần cam kết thực hiện.”

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần