Theo đó, bà Lê Thị Khánh Vân và bà Lê Thị Thanh Hằng, hai hướng dẫn viên được đào tạo bởi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, sẽ tổ chức 9 buổi chia sẻ về chủ đề “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày”. Chương trình hướng tới cách tiếp cận không bạo lực trong việc giáo dục trẻ mà vẫn đảm bảo sự tôn trọng đối với trẻ như một người đang học hỏi và là một cá thể độc lập.
Trong buổi đầu tiên, các hướng dẫn viên và phụ huynh đã cùng chia sẻ, trao đổi, tìm hiểu thông tin về quyền trẻ em và kỷ luật tích cực là gì. Theo đó, kỷ luật tích cực không phải là cho phép trẻ làm bất cứ điều gì trẻ muốn; không có nội quy; cũng không có nghĩa là phản ứng nhanh với các tình huống; hay là một dạng trừng phạt khác thay vì đánh và quát mắng.
Kỷ luật tích cực là giúp trẻ dần dần phát triển khả năng tự kiểm soát bản thân; giao tiếp rõ ràng; tôn trọng trẻ em và được trẻ tôn trọng; hướng dẫn trẻ cách đưa ra những quyết định đúng đắn; xây dựng kỹ năng và sự tự tin ở trẻ; đồng thời dạy trẻ tôn trọng cảm xúc của người khác.
Chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày - PDEP” được hình thành dựa trên những nỗ lực nghiêm cấm hành động trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng. Sáng kiến này được thiết kế dựa trên bài học kinh nghiệm về Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày được xây dựng bởi bà Joan Durrant và cộng sự từ trường Đại học Manitoba, Canada và nhiều Văn phòng Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em trên toàn thế giới.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SCI) là tổ chức phi chính phủ lớn nhất hoạt động vì trẻ em trên toàn thế giới. SCI được thành lập năm 1919 và khởi đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1990. Từ đó đến nay, SCI đã phát triển và mở rộng đến 6 lĩnh vực bao gồm: Giáo dục, sức khỏe, dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em; quản trị quyền trẻ em, giảm nghèo cho trẻ em và giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó khẩn cấp. |
Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm thúc đẩy việc cải thiện kiến thức, thái độ và hành vi của cha mẹ về kỷ luật tích cực thay vì các hành vi trừng phạt thân thể và tinh thần trong quá trình nuôi dạy trẻ. Với những mục tiêu đó, dự án sẽ đóng góp cho Chiến lược Quốc gia về loại bỏ hoàn toàn các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trong mọi hoàn cảnh tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, dự án đã xây dựng năng lực cho 20 hướng dẫn viên quan tâm đặc biệt đến kỷ luật tích cực, để từ đó họ sẽ là những nhân tố lan tỏa kiến thức, kỹ năng cũng như truyền cảm hứng đến nhiều cha mẹ khác trong cộng đồng.
Hiện nay, Chương trình PDEP đang được triển khai với 7 CLB cha mẹ tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mỗi cặp hướng dẫn viên đã được đào tạo cùng nhau thành lập các nhóm cha mẹ và chia sẻ kiến thức của mình đến với các phụ huynh trong 9 buổi.