Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình nghe lén của NSA: Những nạn nhân mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Pháp, Đức, Italia, đến lượt Tây Ban Nha có mặt trong danh sách bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi. Vậy là đám cháy bê bối do thám của Mỹ đang lan rộng sang các nước châu Âu, đe dọa mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh phương Tây.

Ngày 28/10, hai tờ báo lớn của của Tây Ban Nha là El Pais và El Mundo đồng loạt đăng tải các bài viết cho thấy NSA đã nghe lén và theo dõi trái phép khoảng 60,5 triệu cuộc điện thoại tại quốc gia này chỉ trong thời gian từ 10/12/2012 - 8/1/2013. Dựa theo những thông tin mà "người lộ mật" Edward Snowden cung cấp, tình báo Mỹ đã theo dõi không chỉ hàng triệu người dân Tây Ban Nha, mà cả các chính trị gia nước này.

 
Thủ tướng Tây Ban Nha M.Rajoy bị phản đối vì đã quá tin chính quyền Mỹ.  Ảnh: Reuters
Thủ tướng Tây Ban Nha M.Rajoy bị phản đối vì đã quá tin chính quyền Mỹ. Ảnh: Reuters

Dù báo này cho biết, tại Tây Ban Nha, NSA không đặt mục tiêu "tìm hiểu nội dung các cuộc đàm thoại, mà chỉ xác định thời lượng, số điện thoại và địa chỉ các thuê bao" nhưng thông tin này đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của Madrid. Ngay trong ngày 28/10, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu Đại sứ Mỹ tại Tây Ban Nha James Kostos để giải thích về vụ việc. Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy, công dân của mình đã bị NSA do thám, thậm chí, cuối tuần trước, trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Madrid đã bác lại lời kêu gọi của 28 nước thành viên EU tiến tới một thỏa thuận "không gián điệp" với Mỹ. Đáng chú ý, tại Tây Ban Nha, bất cứ hành vi do thám các cuộc điện thoại, SMS và thư điện tử không được sự cho phép của các cơ quan tư pháp tại Tây Ban Nha đều được xem là một hành vi phạm tội. Trong khi đó, tuần báo Journal du Dimanche của Pháp số ra ngày 27/10 dẫn nguồn tin từ cơ quan mật vụ Pháp, cho rằng cơ quan tình báo Mỹ có thể sử dụng thông tin về những người Pháp có tầm ảnh hưởng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ ở châu Âu.

 

Giữa lúc các thông tin liên quan đến bê bối do thám tiếp tục bị các cơ quan thông tấn châu Âu tiết lộ, việc tờ Tấm gương (Đức) cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã biết việc NSA nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2010, song không những không ngăn cấm mà còn chỉ đạo tiếp tục mở rộng theo dõi nhà lãnh đạo này của Đức khiến Berlin tức giận. Thậm chí NSA và CIA đã triển khai 18 nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, vốn chỉ cách Phủ Thủ tướng Đức khoảng 1km để tiến hành theo dõi thông tin liên lạc ở khu nhà Chính phủ Đức.

 

Bất chấp việc NSA bác bỏ thông tin Tổng thống Obama biết về vụ do thám Thủ tướng Merkel nhưng những tuyên bố của cơ quan tình báo này đã không còn được tin tưởng nữa. Nếu chính quyền của Tổng thống Obama không nhanh chóng tìm cách dập tắt bê bối này, Mỹ sẽ trở thành nạn nhân của chính hệ thống do thám khổng lồ của mình. Khi niềm tin mà các thành viên EU dành cho Washington bị phá hủy, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ vì bị cô lập hoàn toàn trên chính trường và thị trường toàn cầu.