Chương trình xúc tiến thương mại trong nước: Tiến mạnh về thị trường nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không lơ là với thị trường nông thôn như trước, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang chú trọng bám thị trường giàu tiềm năng này.

KTĐT -  Không lơ là với thị trường nông thôn như trước, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang chú trọng bám thị trường giàu tiềm năng này.

Áp sát nhu cầu, thị hiếu

“Khi xác định khai phá thị trường nông thôn, Nutifood đã hoạch định một kế hoạch với nhiều chương trình cụ thể, từ sản xuất, thay đổi mẫu mã bao bì, đến công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh cho thích hợp và theo hướng áp sát nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường này” - Giám đốc đối ngoại Cty thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Trần Hữu Đức, chia sẻ.

Nutifood là sản xuất những sản phẩm đặc thù cho thị trường nông thôn với giá cả rất phải chăng để dễ mua, dễ sử dụng. Chẳng hạn, thay vì làm những gói sản phẩm bột dinh dưỡng giá 10.000 đồng/gói như trước, nay làm loại 2.000-2.500 đồng/gói nhưng chất lượng không thay đổi.

Cùng với việc tung sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu, thị hiếu và khả năng tài chính người tiêu dùng nông thôn, các doanh nghiệp trong nước cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển hệ thống phân phối tại thị trường này.

Mỹ Hảo - nhà sản xuất nước rửa chén hàng đầu trong nước là một ví dụ. Cty này tung ra một loại sản phẩm đặc trưng theo thị hiếu người tiêu dùng nông thôn và chỉ sau một thời gian Mỹ Hảo đã đánh bật sản phẩm tương tự của những đối thủ là các tập đoàn đa quốc gia.

Đồng thời, Mỹ Hảo xây dựng được mạng lưới phân phối với 126 nhà phân phối lớn ở các tỉnh thành phố trên toàn quốc và đặt mục tiêu trong vòng bán kính 40 km có một nhà phân phối chính thức để từ đó sản phẩm lan tỏa đi khắp nơi...

Song hành những chiến lược dài hơi, nhiều doanh nghiệp tăng cường tiếp cận người tiêu dùng nông thôn với sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp thông qua những phiên chợ hàng Việt về nông thôn liên tục diễn ra thời gian gần đây tại các địa phương.

Chia sẻ lợi ích

Thay vì đầu tư cho quảng cáo, Mỹ Hảo xác định tinh thần chia sẻ lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng bằng việc tăng mạnh khuyến mãi cho cả người tiêu dùng lẫn nhà phân phối, nhà bán lẻ.

“Cách làm này hiệu quả nhưng lại tránh phải đối đầu với các tập đoàn đa quốc gia “mạnh về gạo, bạo về tiền” thường tung tiền quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng”- ông Tăng Quang Trọng - Giám đốc kinh doanh của Cty Mỹ Hảo nói.

Nhờ có những bước đi và chiêu thức thích hợp, nhiều doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững và phát triển mạnh mẽ tại thị trường nông thôn. Cty Nhựa Chí Thành là một trong số đó. Dụng cụ nuôi tôm công nghiệp và mũ bảo hiểm là hai sản phẩm chủ lực của Cty nhắm đến thị trường nông thôn.

Hai loại sản phẩm này thời gian qua có mặt khắp các ngõ ngách ở thị trường các tỉnh ĐBSCL; riêng dụng cụ nuôi tôm đã đánh bạt hàng Thái Lan và chiếm đến 90% thị phần khu vực này.

Nhờ bám sát thị trường nông thôn nên doanh thu từ thị trường này của nhiều doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Với Nutifood, ông Trần Hữu Đức cho biết, nếu như năm 2008 doanh thu từ thị trường nông thôn của công ty chiếm 30% thì năm 2010 chiếm 51% trong tổng doanh thu 1.000 tỷ.

Sản phẩm nước rửa chén của Mỹ Hảo cũng chiếm tới 30% thị phần khu vực miền Tây. Nhờ phát triển thị trường nông thôn, Mỹ Hảo tự tin đặt mục tiêu tăng doanh thu 30% trong năm 2011.