Không phù hợp với văn hóa ViệtTông màu trắng toát chủ đạo, chăn ga gối bày ra giữa nơi công cộng, hai nhân vật chính ăn vận ít vải, có những ảnh thấy chú rể vận quần cộc, cả hai nằm chình ình đọc báo giữa Bờ Hồ (cạnh đài phun nước - quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục). Hoặc kiệm vải hơn nữa và cũng nằm ngả ngớn cùng chăn gối trên mái nhà phố cổ, trên cầu Long Biên giữa dòng xe tấp nập đi lại, hoặc lưng trần âu yếm nhau bên bờ Hồ Tây đón mặt trời lặn… Đây là bộ ảnh cưới được chụp bởi nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (Hai Le Cao) cùng ê kíp. Ngay sau khi tung trọn bộ ảnh cưới gây tranh cãi, trên Facebook cá nhân của mình, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải cho biết ý tưởng của bộ ảnh xuất phát từ quan niệm: “Đâu ai muốn làm người bình thường khi yêu”. “Đã bao giờ bạn thật sự thả lỏng, dũng cảm buông bỏ tất cả những thứ nặng trĩu trên vai xuống và ngồi lại với nhau, để sống hết mình, yêu hết mình mặc kệ thế gian ngoài kia ra sao hay chưa?” - nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải viết trên Facebook.Trên một diễn đàn, có người tỏ ra thành thạo, thông tin: “Style này có lâu rồi, coi Tiktok của Trung Quốc có mấy cặp chụp kiểu này rồi”. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Bộ ảnh cưới mang phòng ngủ ra đường này cho thấy nhận thức không đúng của một bộ phận giới trẻ. Họ không phân biệt được không gian riêng tư với công cộng. Có thể hiểu một phần bắt nguồn từ trào lưu trên thế giới, tuy nhiên nó không phù hợp với hoàn cảnh văn hóa xã hội Việt Nam”. Vướng chế tài xử phạtHậu trường đăng trên mạng xã hội có thể thấy ê kíp chụp ảnh của Lê Cao Hải đã bị công an phường yêu cầu giải tán ngay sau khi trải chăn ga ra phố đi bộ Hồ Gươm. Ngoài vi phạm về ảnh hưởng trật tự công cộng, các chuyên gia cũng bày tỏ ê kíp này đã vi phạm Quy tắc ứng xử nơi công cộng mà Hà Nội đã ban hành. “Hà Nội ban hành các bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Mục những việc nên làm nêu: Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội… Thế nhưng, cặp đôi chụp ảnh cưới và ê kíp của nhiếp ảnh gia đã vi phạm những quy định này của Quy tắc ứng xử” – TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ.Ngay sau khi nhận được phản ánh, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết: “Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xử lý sự việc theo thẩm quyền. Với chức năng nhiệm vụ của Sở, tôi cũng đã giao Thanh tra Sở nắm tình hình, xem xét hành vi này”. Tuy nhiên, để xử phạt hành vi này theo quy định nào sẽ vẫn là câu hỏi với cơ quan quản lý. Vì nhìn dưới góc độ trật tự đô thị, thời gian dừng lại trên đường chỉ ê kíp chỉ 5 - 10 phút, không đỗ xe sai quy định, mà chỉ tạo sự chú ý, gây ách tắc giao thông nên chưa đủ cơ sở để xử phạt. Với việc vi phạm Quy tắc ứng xử cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, phê bình… chưa có hình thức áp dụng xử phạt cụ thể.Sau sự việc này, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ: “Ngành văn hóa Hà Nội tuyên truyền nhiều về quy tắc ứng xử, nhưng lại xảy ra không phải một mà nhiều sự việc phản cảm tương tự (ví như việc đôi trai gái mây mưa trước cửa Bưu điện Hà Nội hồi đầu năm 2020 – PV). Việc xử lý hành chính cần nghiêm túc hơn, mang tính làm gương hơn thì mới tránh được chuyện mang đồ ngủ ra nơi công cộng. Nếu không có giải pháp căn cơ thì chỉ giải quyết hiện tượng từ ngọn, sau này không chỉ ôm phòng ngủ ra đường mà còn nảy sinh nhiều hành vi phản cảm khác.