Ai phải chụp ảnh bổ sung?Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), quy định bổ sung ảnh chụp chân dung thuê bao là để nhằm bảo vệ quyền lợi người dân, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Và so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì quy định của Việt Nam tạo điều kiện cho DN và người dân rất nhiều, vì việc đầu tư thiết bị và quy trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh.
Đại diện Cục Viễn thông cũng khẳng định, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Phía nhà mạng VNPT Vinaphone cũng khẳng định: “Đối với thuê bao đang sử dụng và cần phải hoàn thiện thông tin thuê bao, Vinaphone đồng ý phương án khách hàng gửi ảnh qua các ứng dụng và trên môi trường online”.
DN sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin sai với quy định đến đăng ký lại (trong đó có việc chụp ảnh). DN có thể triển khai các điểm lưu động tại các khu dân cư, toà nhà, UBND xã/ phường, trường học, bệnh viện, chợ phiên… để tích cực phục vụ người dân.
Tuy nhiên, từ góc độ người dùng, nhiều người còn lo ngại việc bổ sung thêm ảnh chân dung sẽ làm tăng thêm nguy cơ rủi ro cho họ khi mà tình trạng rao bán thông tin cá nhân đang rất phổ biến hiện nay. Và mặc dù đã có quy định DN viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thống sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự... nhưng đa phần các ý kiến vẫn cho rằng bổ sung ảnh chân dung là không cần thiết.
Đại diện VNPT Vinaphone cho biết đã có 2 phương án chính để triển khai hoàn thiện thông tin thuê bao: Một là triển khai các chương trình khuyến mại (tặng quà, tặng tài khoản, data…) cho các khách hàng đến trực tiếp tại các điểm cung cấp dịch vụ để hoàn thiện thông tin; Hai là cử nhân viên đến trực tiếp gặp khách hàng để thu thập đầy đủ thông tin thuê bao hoặc cung cấp các công cụ trên nền tảng internet để khách hàng có thể chủ động cập nhật hoàn thiện thông tin thuê bao của mình. |
Về vấn đề này, bà Mơ cho rằng: “Vì đây là một quy định mới nên có thể bước đầu một số người có thể phản ứng. Tuy nhiên trong thực tế, việc xuất trình Chứng minh Nhân dân để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận. Tất cả chỉ là thói quen và nếu được truyền thông tốt thì người dân sẽ hợp tác”.
Cần truyền thông rộng rãi hơnTrả lời báo Kinh tế & Đô thị, đại diện VNPT Vinaphone cho biết, thực tế qua 2 tháng triển khai thử nghiệm, nhà mạng đã gặp phải khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó khó khăn nhất là nhận thức của khách hàng về quy định chụp ảnh. Khách hàng không nhận thức được việc này nên phản ứng rất gay gắt và không đồng ý cho chụp ảnh, do vậy rất cần việc truyền thông rộng rãi đến tất cả các tỉnh, TP... Anh Nguyễn Q. Hưng (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết: “Tôi chỉ mất 1 - 2 giây để chụp ảnh nhưng phải đợi thêm 20 phút để nhân viên giao dịch hoàn thành các thủ tục đăng ký thông tin thuê bao”. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - nhân viên giao dịch tại tại Điểm giao dịch VNPT Vinaphone 57 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) cũng thừa nhận: “Hiện tại, chúng tôi dùng điện thoại cá nhân để chụp ảnh khách hàng, sau đó chuyển vào mail và tải vào hệ thống dữ liệu… nhiều công đoạn nên thời gian chờ đợi kéo dài thêm từ 15 - 20 phút, trong khi trước đây chỉ mất 10 phút/khách. Khá nhiều khách hàng khó chịu vì phải chờ đợi lâu”.
Đại diện một nhà mạng khác cũng bày tỏ lo ngại, quá trình triển khai ban đầu chắc chắn không dễ dàng vì người dân chưa hiểu, phía DN cũng gặp khó khăn trong việc đối chiếu ảnh chụp hiện tại đối với ảnh trên giấy tờ cá nhân, đặc biệt là đối với các giấy tờ gần hết hạn lưu hành.
Theo khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị, trong số các nhà mạng, hiện có Vinaphone là nhà mạng triển khai tích cực nhất. Theo đó, DN đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai từ Tập đoàn xuống các đơn vị trực thuộc, thông báo rộng rãi đến đại lý/điểm bán lẻ trên toàn quốc hướng dẫn thực hiện đăng ký thông tin thuê bao theo Nghị định 49, tổ chức các hội nghị triển khai trong nội bộ cũng như tới các điểm bán lẻ trên toàn quốc. Thực hiện truyền thông trên website, gửi thư ngỏ tới các đại lý/điểm bán về việc quy định và hướng dẫn thực hiện đăng ký thông tin thuê bao theo Nghị định 49. Đầu tư thêm công cụ, phương tiện (camera, máy tính, máy in…) và nâng cấp hệ thống kỹ thuật để bổ sung tính năng hệ thống đăng ký thông tin thuê bao đáp ứng yêu cầu của Nghị định… Xây dựng và bước đầu thử nghiệm phương án hoàn thiện thông tin thuê bao đang hoạt động và lộ trình thực hiện hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuê bao đến 24/4/2018 theo quy định.