Sau 7 năm thực hiện triển khai, 2 bộ QTƯX đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân Thủ đô, từng bước hình thành nếp văn hóa mới.
Bài 1: Hình thành chuẩn mực văn hóa mới
Từ năm 2017 đến nay các cơ quan, ban ngành cũng như các cấp cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã bền bỉ đưa 2 bộ QTƯX vào cuộc sống nhằm tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô.
Hành trình bền bỉ
Hệ thống QTƯX đang ngày càng trở nên thân thuộc với các cấp chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp Nhân dân trong việc căn chỉnh văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Từ TP tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa hai QTƯX. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Tuy nhiên, không có bộ quy tắc nào có thể bao quát được tất cả mọi hoạt động của con người trong xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, sau 7 năm triển khai và thực hiện 2 bộ QTƯX mà Hà Nội đang ban hành, ngoài việc cần được thực thi một cách có hiệu quả, thì cũng rất cần phải tổng kết quá trình thực hiện để xem xét bổ sung, sửa chữa cho phù hợp. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền cần nhân rộng tới từng người dân, công chức, người lao động để 2 bộ quy tắc thực sự đạt được hiệu ứng mong muốn.
Tại Hà Nội, từ trước năm 2010, các cơ quan chức năng của Hà Nội bắt đầu ấp ủ Đề án xây dựng hệ thống QTƯX trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Trong quá trình xây dựng 2 bộ QTƯX, nhiều ý kiến góp ý được đặt ra.
Đối với QTƯX nơi công cộng, cái khó của ban soạn thảo bộ QTƯX, được một số chuyên gia, nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực chỉ ra là QTƯX nơi công cộng của Hà Nội cần phải đặt trong vị trí là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước; có sự ảnh hưởng không chỉ riêng phạm vi Hà Nội mà ảnh hưởng tới cả quốc gia và cả thế giới.
Hơn nữa, Hà Nội có nền tảng văn hóa từ hàng ngàn năm qua, việc hình thành các chuẩn mực ứng xử phải giữ được căn cơ ấy, hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại.
TS Đào Ngọc Nghiêm - thành viên Hội đồng phản biện QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng xây dựng hành vi ứng xử chuẩn mực không chỉ riêng cho người dân Hà Nội mà hành vi này sẽ được cả nước và bạn bè thế giới nhìn vào. Nói cách khác, nó sẽ trở thành mẫu mực chung cho cả nước, tạo thiện cảm và sức hút đối với bạn bè quốc tế.
Về QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, sau khi dự thảo được ban hành gồm 6 chương, 16 điều, đưa ra nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản như: QTƯX chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan. Trong đó, về trang phục, quy tắc khuyến cáo công chức mặc lịch sự (áo có ống tay, cổ áo; váy dài đến gối); đầu tóc gọn gàng; không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp… nhận được nhiều ý kiến của dư luận; có những băn khoăn như “nên mặc váy ngắn đến đâu, nước hoa thơm thế nào”.
Mặt khác, cũng có những ý kiến đồng thuận, góp ý rằng, nguyên tắc được đưa ra là nếp văn hóa mà cán bộ, công chức Hà Nội cần xây dựng và để tự điều chỉnh hành vi, góp ý với đồng nghiệp.
“Hôm nay anh ăn mặc thế này có phù hợp không, lãnh đạo, đồng nghiệp nhắc nhở nhau. Không ai vẽ ra mặc thế nào là vừa, nhưng ăn mặc thế nào phù hợp, văn minh thì phải nhắc nhở nhau. Những việc đó tuy nhỏ nhưng không bao giờ thừa. Chúng ta muốn phục hồi, nâng cao chất văn hóa, thanh lịch của người Hà Nội thì hơn ai hết cán bộ, công chức phải làm gương” - một cán bộ, công chức chia sẻ.
Qua nhiều năm nghiên cứu, lắng nghe ý kiến góp ý của chuyên gia và đặc biệt là người dân về QTƯX, các chuyên gia xã hội học, tâm lý… cùng hàng trăm tình nguyện viên đã lăn lộn phát hàng nghìn phiếu điều tra ở các trường học, bệnh viện, nhà ga, trung tâm thương mại… để cho ra được bài toán QTƯX phải đề ra các quy định, nội dung nào để làm sao người dân hào hứng đón nhận và thực hiện. Xây dựng một Hà Nội hiện đại nhưng cũng xứng tầm văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến cũng là điều trăn trở của lãnh đạo Thủ đô…
Sau khi nhận nhiều ý kiến đóng góp và điều chỉnh, đầu năm 2017, liên tiếp 2 bộ QTƯX được hoàn thiện và ban hành. Điều đặc biệt, 2 bộ QTƯX không phải văn bản pháp quy, bắt buộc mọi công dân phải làm theo, mà là đưa ra chuẩn mực chung, khuyến cáo người dân cùng thực hiện. Mục đích là từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn TP, xây dựng TP văn minh, hiện đại.
Chặn căn bệnh hình thức
Để đưa 2 bộ QTƯX vào cuộc sống, TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới các sở ngành, quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Ngay sau đó, một số cơ quan, địa phương đã sôi nổi tổ chức triển khai, thậm chí là tổ chức ký giao ước thực hiện. Đồng thời, 10.000 cuốn sổ tay QTƯX của cán bộ, công chức; 20.000 cuốn sổ tay QTƯX nơi công cộng cũng được phát tới cán bộ, công chức và các thôn làng, tổ dân phố; lớp tập huấn đội ngũ báo cáo viên các quận, huyện, thị xã về triển khai QTƯX... được tổ chức.
Ngoài ra, ở các cơ quan đơn vị, QTƯX cũng được treo tại nơi mọi người dễ nhìn, lồng ghép vào kế hoạch, sự kiện tổ chức từ cấp quận, huyện đến sinh hoạt cộng đồng tại tổ dân phố, nhà văn hóa. Tại các thôn làng, tổ dân phố, các điểm di tích, QTƯX được niêm yết công khai để người dân và du khách thực hiện. Nhiều địa phương còn bổ sung nội dung QTƯX vào các hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố...
Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai thực hiện 2 bộ QTƯX chuyển biến vẫn chưa rõ rệt, vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và Nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa chuyển biến nhiều; vẫn tồn tại bạo lực gia đình, hành vi ứng xử thiếu văn minh, văn hóa và tình trạng vô cảm.
Trong thực tiễn hàng ngày vẫn còn nhiều vấn đề, đó là những bài học về việc chậm giao giấy chứng tử của cán bộ phường Văn Miếu (quận Đống Đa) hay cách ứng xử chưa đúng mực nơi công cộng như việc báo chí nhiều lần phản ánh về việc “hôi hoa”, “hôi của”, đánh chửi gây gổ và dễ bị kích động khi va chạm giao thông.
Vì vậy, sau một năm triển khai, năm 2018, nhiều ý kiến đề nghị Hà Nội nên sớm tổ chức sơ kết đánh giá mặt được và mặt hạn chế của 2 QTƯX. Bởi vì, không ai có thể tài giỏi nghĩ ra mọi tình huống ứng xử. Sau một năm ban hành thực hiện, rõ ràng còn rất nhiều điều phát sinh cần bổ sung.
Thời điểm đó, TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ: "Tại sao Hà Nội không tổ chức cuộc vận động "Ngày không vứt rác" để hưởng ứng QTƯX nơi công cộng? Tại sao có ông Tây lặn cống dọn rác, còn các đoàn viên thanh niên lại không học tập?... Tôi nghĩ rằng, Hà Nội cần có những phong trào, mô hình cụ thể hóa việc thực hiện QTƯX. Hơn nữa, Hà Nội nên phát huy tối đa những hương ước, quy ước làng xã có từ bao đời nay để giáo dục lối sống, cách ứng xử văn minh".
Không có bộ quy tắc nào có thể bao quát được tất cả mọi hoạt động của con người trong xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, 2 bộ QTƯX mà Hà Nội đang ban hành, ngoài việc cần được thực thi một cách có hiệu quả, thì cũng rất cần phải tổng kết quá trình thực hiện để xem xét bổ sung, sửa chữa cho phù hợp.
(Còn nữa)
2 QTƯX đã lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Và để việc thực hiện 2 QTƯX tiếp tục đạt hiệu quả cao, các sở, ban, ngành địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình triển khai và có giải pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời, phù hợp.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh