Chuyển biến tích cực từ công nghiệp văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ ở các tổ chức tư nhân, ngoài Nhà nước, giờ đây các tổ chức Nhà nước đã lấy tinh thần phát triển công nghiệp văn hóa như chất xúc tác, giúp cho hoạt động của mình trở nên hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu người dân nhiều hơn.

Những gì chúng ta đang chứng kiến về sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), dù còn một số điều cần phải phấn đấu nhưng đã là thành quả ngọt ngào từ nỗ lực không ngừng nghỉ của rất nhiều người yêu mến và theo đuổi thành công cho lĩnh vực đặc biệt quan trọng này, bất kể họ làm việc trong lĩnh vực công hay lĩnh vực tư.

Không gian sáng tạo phục dựng từ nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Không gian sáng tạo phục dựng từ nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng

Tạo ra sức đề kháng cho văn hóa dân tộc

Thành quả của ngày hôm nay là cả một quá trình gian khó nhưng đáng để hy sinh. Câu chuyện này như một sự đột phá về nhận thức để chúng ta có hành động quản lý văn hóa phù hợp hơn với kinh tế thị trường.

Công ước năm 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử phát triển của UNESCO, cũng như sự phát triển chung của văn hóa trên toàn thế giới. Có hai thông điệp quan trọng của Công ước là “các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa” và “phát triển các ngành CNVH là giải pháp chính để bảo vệ, phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa”.

Thông điệp đầu tiên khiến các quốc gia trăn trở nhiều hơn về việc bảo vệ văn hóa quốc gia như một cách để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ở đó, mỗi dân tộc chưa hoàn toàn độc lập nếu chưa độc lập về văn hóa, còn bị chi phối bởi văn hóa nước ngoài. Điều này càng đúng hơn trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai khi quá trình toàn cầu hóa đang biến cả thế giới thành ngôi làng toàn cầu. Quốc gia nào không gìn giữ được giá trị, bản sắc văn hóa của mình sẽ dễ trở thành bản sao mờ của một nền văn hóa khác. Mà văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Tồn vong dân tộc phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực bảo vệ và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của chính dân tộc mình.

 

Không chỉ ở các tổ chức tư nhân, ngoài Nhà nước, giờ đây các tổ chức Nhà nước đã lấy tinh thần phát triển CNVH như chất xúc tác, giúp cho hoạt động của mình trở nên hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu người dân nhiều hơn. Mô hình thử nghiệm hỗ trợ phát triển nghệ thuật của VICAS Art Studio như một không gian sáng tạo đầu tiên của Nhà nước, hay nỗ lực của các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ... trong chuyển đổi số, tạo ra nhiều hoạt động sáng tạo, là những ví dụ điển hình cho xu hướng này.

Ở thông điệp thứ hai, phát triển CNVH chính là cách các quốc gia tạo ra sức đề kháng cho văn hóa dân tộc, giới thiệu và khẳng định giá trị văn hóa dân tộc trong dòng chảy chung của văn hóa thế giới bằng cách khai thác tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ, kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Tinh thần của Công ước năm 2005 nhận được sự đồng cảm và đồng thuận của rất nhiều quốc gia trên thế giới, được ghi nhận là một trong những Công ước thành công nhất của UNESCO. Kể từ khi Công ước ra đời, xuất hiện làn sóng các quốc gia trên thế giới ban hành chính sách, luật pháp về văn hóa, CNVH để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, hình thành nên sức mạnh mềm, lan tỏa tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời hướng đến mục tiêu quan trọng hơn cả là bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng văn hóa.

Việt Nam của chúng ta tham gia Công ước năm 2007. Điều này chứng tỏ nhận thức đúng đắn và tầm nhìn của chúng ta đối với một vấn đề chung, quan trọng của thế giới. Tuy vậy, không hẳn con đường thực thi Công ước ở Việt Nam đã gặp nhiều thuận lợi. Kể cả là người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu như tôi vào thời điểm đó, dù về lý thuyết phải là những người đi tiên phong trong việc đưa kiến thức mới, đột phá vào thực hành trong nước nhưng thú thực, đến năm 2012, khi UNESCO phát động phong trào đánh giá 5 năm thực thi Công ước (Công ước năm 2005 nhưng đến năm 2007 mới được đủ số quốc gia phê chuẩn), chúng tôi mới thực sự nghiêm túc nghiên cứu sâu về lĩnh vực này thông qua một hỗ trợ kỹ thuật của UNESCO.

Khi đó, chúng tôi ở Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ động lựa chọn 2 chuyên gia tư vấn cho Việt Nam là Tom Fleming, đến từ Anh và William Codjo đến từ Benin (Đức). Ngụ ý chính chỉ là cần có một chuyên gia đến từ quốc gia có nền công nghiệp phát triển CNVH hàng đầu thế giới là Anh, với người khởi xướng cho kinh tế sáng tạo nổi tiếng thế giới là John Howkins cùng câu hỏi kinh điển “How To Make Money From Ideas” - (Làm thế nào kiếm tiền được từ ý tưởng?), để chúng ta có những kiến thức cập nhật nhất thế giới; và một chuyên gia đến từ một nước phương Nam, vì hợp tác Nam – Nam có ích trong việc tìm ra những phương án khả thi, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội ở các nước có điều kiện tương đồng, mà không phải lúc nào các phương án tiên tiến nhất thế giới cũng có thể áp dụng được. Họ cũng ở trong danh sách các chuyên gia mà UNESCO gợi ý cho Việt Nam.

Điều đáng chú ý là, xét về nhận thức, ở thời điểm năm 2012, hầu như hiếm ai nghe thấy nói về Công ước 2005, chứ chưa nói gì đến CNVH (sau này tôi mới biết Hà Nội có một đề tài nghiên cứu về CNVH do PGS.TS Phạm Duy Đức thực hiện). Chúng ta chưa rõ các ngành CNVH ở Việt Nam là gồm những gì? Về hành động, chúng ta cũng chưa có bất cứ một chính sách, pháp luật nào để thực thi Công ước, kể cả chưa có một chiến lược phát triển các ngành CNVH, chính sách hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo hay tạo điều kiện ra đời các quỹ hỗ trợ, đầu tư mạo hiểm...

Thời điểm đó, nói rằng chúng ta có các ngành CNVH cũng đúng mà không có cũng đúng. Có là vì chúng ta có đầy đủ những ngành mà sau này chúng ta xác định là CNVH như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang... Không có là vì dù có những ngành nghề như vậy nhưng gần như chưa có sự gắn kết với thị trường, chưa biết cách xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả, ứng dụng công nghệ một cách chuyên nghiệp. Hầu như không có sự gắn kết giữa các thành tố từ tài năng sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh.

Biểu diễn nghệ thuật tại festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội - đến để yêu”. Ảnh: Phạm Hùng  
Biểu diễn nghệ thuật tại festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội - đến để yêu”. Ảnh: Phạm Hùng  

Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa

Nỗi trăn trở khiến chúng tôi khao khát xây dựng một Chiến lược phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam theo tư vấn của 2 chuyên gia của UNESCO. Ở Việt Nam, dường như chính sách Top Down (đi từ trên xuống) tỏ ra có hiệu quả và nhanh hơn so với Bottom Up (đi từ dưới lên). Việc xây dựng một chiến lược quốc gia giúp các bộ, ngành và địa phương có căn cứ pháp lý để triển khai kế hoạch hành động phù hợp với phạm vi của mình. Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện theo cách quan niệm này. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng có những mặt hạn chế. Dù trong thực tế, phát triển các ngành CNVH không chờ đợi chính sách của Nhà nước để tồn tại và phát triển.

Tôi nhận thấy những nỗ lực bền bỉ của các nghệ sĩ, chuyên gia như Lê Quốc Vinh, Quốc Trung, Việt Tú, Đoàn Kỳ Thanh, Nguyễn Anh Tuấn, Trương Uyên Ly... trong việc định hình CNVH qua các không gian sáng tạo như Zone 9, Heritage Space, Creative City, Grapevine... hay các sự kiện nghệ thuật như lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon), Hò Zô... Nhưng nếu thiếu sự dẫn dắt, định hướng từ phía Nhà nước, xu hướng này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì thế, việc xác định khái niệm các ngành CNVH gồm 12 ngành gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa là một sự cố gắng rất lớn khi ở các nước khác nhau có nội hàm khác nhau về các ngành CNVH và cần phải phù hợp với bối cảnh quản lý văn hóa ở Việt Nam.

Tôi rất nhớ những tranh luận xoay quanh những thuật ngữ (mà giờ đây không còn ai thắc mắc) như sử dụng thuật ngữ “công nghiệp sáng tạo” hay “công nghiệp văn hóa” hay “Công nghiệp văn hóa – sáng tạo”, sử dụng “không gian sáng tạo” hay “trung tâm công nghiệp văn hóa…

Để Chiến lược được thông qua cũng là một cách làm thận trọng, khéo léo. Điều thuận lợi nhất là bối cảnh giai đoạn đó chúng ta thực sự có nhu cầu thúc bách trong việc hội nhập quốc tế bằng văn hóa. Những hệ lụy từ tác động của văn hóa nước ngoài đến người dân trong nước, đặc biệt là giới trẻ, gây ra nhiều bức xúc, cũng là hoang mang, đòi hỏi chúng ta cần nâng cao nội lực văn hóa để ứng phó với tình trạng nhập siêu về văn hóa và xâm lăng văn hóa nước ngoài. Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người

Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã cung cấp một cơ hội mới cho phát triển các ngành CNVH khi nhiệm vụ thứ 5 là phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như là một sản phẩm, kết quả trực tiếp của chính Nghị quyết này.

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Quyết tâm của Hà Nội

Ngày 8/9/2016 có ý nghĩa rất lớn đối với những người yêu và thực hành CNVH ở Việt Nam khi Chiến lược chính thức được ký ban hành. Sau đó, các bộ, ngành và địa phương cũng đã ban hành kế hoạch hành động của mình để thực hiện Chiến lược.

Ban đầu, tôi nghĩ việc ban hành các kế hoạch này ở các địa phương là rất hình thức. Nhưng suy nghĩ của tôi thực sự thay đổi với hành động quyết tâm của một số địa phương, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Không khí sáng tạo, quyết tâm phát triển các ngành CNVH đã lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Tại các hội nghị, hội thảo, trên các phương tiện truyền thông, thậm chí tại cả diễn đàn của Quốc hội, phát triển các ngành CNVH trở thành một chủ đề nóng, được xem như giải pháp đột phá, giúp chúng ta có thêm sự tự tin và niềm tự hào để phát triển đất nước từ sức mạnh của văn hóa.

Với tôi, Hà Nội chính là địa phương thể hiện quyết tâm và hành động cụ thể để phát triển các ngành CNVH.

Hà Nội có nhiều thuận lợi so với các địa phương, nhất là từ trước tới giờ, Thủ đô luôn tự hào về những giá trị văn hóa của mình và mong muốn gìn giữ, phát huy hơn nữa lợi thế này. Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa dân tộc, là nơi tụ nhân, tụ nghĩa, tụ tài của cả nước, chắc chắn có nhiều thuận lợi để phát triển CNVH. Hơn thế, tôi thấy những ý chí này từ chính lãnh đạo của Thủ đô – điều then chốt để triển khai bất kỳ một kế hoạch hay Chiến lược nào.

Tôi ấn tượng với tâm huyết của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng với nhiều cán bộ ở Thủ đô trong nỗ lực xây dựng Hà Nội trở thành TP sáng tạo trong mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO năm 2019, như là một trong những điểm nhấn của Chiến lược phát triển các ngành CNVH Hà Nội.

Từ đó đến nay, tinh thần sáng tạo thể hiện qua các không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo, giáo dục nâng cao nhận thức về sáng tạo... đã trở thành một điểm nhấn cho sự phát triển Thủ đô. Chúng ta có thể thấy tinh thần hồ hởi ấy ở từng góc phố, con đường, quán cà phê và ở mỗi người dân. Hệ sinh thái sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc kích thích, truyền cảm hứng cho mọi người cùng hoạt động sáng tạo. Xây dựng con đường, sửa sang một con phố, lắp một cột đèn... không chỉ là những công trình dân sinh, mà cần phải đẹp hơn, sáng tạo hơn, kể những câu chuyện và mang tính biểu tượng nhiều hơn. Các tuần lễ thiết kế sáng tạo, du lịch áo dài, thời trang, âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực... ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn.

Không chỉ dừng lại ở đối tượng, quy mô trong nước, mà hướng tới đối tượng, quy mô quốc tế. Những sự kiện như các buổi biểu diễn của BlackPink hay Kenny G cũng được phân tích từ cách tiếp cận của CNVH để rút kinh nghiệm cho Việt Nam. Các sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của các trường đại học, hội nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật, sáng tạo, mà quan trọng hơn là được hình thành và phát triển bởi chính các cộng đồng cư dân. Điều đó khiến cho tôi nghĩ rằng, sáng tạo đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược ở Thủ đô.

Gần đây nhất, việc các không gian của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành – Thăng Long, hay như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu... đang để lại những dấu ấn đáng ngưỡng mộ, không chỉ với người dân, du khách mà cả với thế giới, về khả năng sáng tạo của Hà Nội. Điều mà chúng tôi ao ước ngay từ ngày đầu thực hiện hồ sơ TP sáng tạo là Hà Nội – đồng thời là Thủ đô – khi là TP sáng tạo cũng là Thủ đô sáng tạo, không chỉ là Thủ đô sáng tạo của Việt Nam, mà còn là Thủ đô sáng tạo của cả khu vực và hướng tới là cả thế giới.

Hà Nội đang đón chờ mùa Xuân mới. Mùa Xuân cũng là ngụ ý của sáng tạo khi sức Xuân và sức sáng tạo làm mọi vật sinh sôi, nảy nở và bừng sáng những sức mạnh tiềm ẩn. Tại phiên họp lần thứ 66, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thừa nhận “văn hóa là một thành phần thiết yếu để phát triển con người; đồng thời cũng là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự hòa nhập xã hội, xóa đói giảm nghèo và quá trình phát triển kinh tế. Một quốc gia có nền văn hóa phát triển đồng nghĩa với việc người dân quốc gia này có năng lực sáng tạo cao và có khả năng thúc đẩy các quá trình hiện đại hóa, cải cách kinh tế, cải thiện đời sống xã hội”. Hà Nội là trái tim của cả nước đã truyền cảm hứng sáng tạo ấy đến toàn thể quốc gia. Đó là những tín hiệu rất vui mừng cho tương lai của đất nước.