KTĐT - Chi làm cùng công ty với Tuấn và hai người đã "kết" nhau từ cái nhìn đầu tiên. Chi là con một trong gia đình bố mẹ đều là đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Biết Tuấn là dân tỉnh lẻ, không có nhà cửa, sự nghiệp ổn định nhưng Chi vẫn chấp nhận. Cũng có người xiên xỏ, lấy vợ có nhà thành phố, không cần bố làm to cũng giúp mình bớt đi 20 năm cày bừa.
Tuấn là con nhà khá giả ở một thị trấn nhỏ. Ở quê, anh có thể tự hào về điều đó, nhưg khi vào thành phố, Tuấn cũng chỉ là chàng trai tỉnh lẻ, vốn liếng ba mẹ anh có được chẳng ăn thua gì với cuộc sống xa hoa, đắt đỏ chốn thị thành.
Tuấn muốn kinh doanh, muốn làm ăn lớn nhưng bố mẹ anh không dám mạo hiểm giao cơ nghiệp tích lũy cả đời vào việc kinh doanh của con. Tuấn đành chấp nhận tạm thời làm công nhân kỹ thuật với đồng lương chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Chi làm cùng công ty với Tuấn và hai người đã "kết" nhau từ cái nhìn đầu tiên. Chi là con một trong gia đình bố mẹ đều là đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Biết Tuấn là dân tỉnh lẻ, không có nhà cửa, sự nghiệp ổn định nhưng Chi vẫn chấp nhận. Cũng có người xiên xỏ, lấy vợ có nhà thành phố, không cần bố làm to cũng giúp mình bớt đi 20 năm cày bừa.
Không muốn con mình lấy người không có tương lai, bố mẹ Chi khó chịu ra mặt mỗi khi chàng rể tương lai tới nhà. Nỗi tức giận của ông bà càng lên cao trào khi hai người nói chuyện cưới xin. Không ít lần bố Chi thẳng thắn: "Chuyện tình yêu tôi không cấm nhưng nếu anh lấy nó, anh có nuôi nó được không, anh cho nó ở đâu?". Mẹ Chi không nói gì nhưng thủ thỉ để con gái nhụt chí bằng cách ngày nào cũng nói câu này, câu kia chẳng mấy tốt đẹp về Tuấn. Tuy nhiên, ba mẹ có cấm cản thế nào nhưng Chi quyết tâm thì vẫn không sao ngăn nổi. Đám cưới diễn ra trong sự thất vọng, buồn bã của họ nhà gái. Không nỡ để vợ chồng "con gái rượu" ở nhà trọ, mặc dù chẳng vui vẻ, ông bà vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt để cho họ ở chung nhà.
Thoát cảnh nhà trọ là giấc mơ của Tuấn nhưng giấc mơ ấy nhanh chóng sụp đổ vì sự khó chịu, không hài lòng của ba mẹ vợ. Tuấn bàn với Chi, ra ngoài thuê nhà bởi cứ kéo dài tình trạng này chỉ tổn hại tình cảm với cha mẹ và vợ chồng cũng không thể vui vẻ. Ở nhà thuê tuy cuộc sống chật vật nhưng cả vợ chồng đều thoải mái, lòng tự ái đàn ông của Tuấn cũng không bị tổn thương như những ngày đầu nương nhờ nhà vợ.
Tuấn chỉ là ví dụ trong vô vàn những trường hợp đàn ông tỉnh lẻ yêu cô gái thành phố giàu có. Dù xuất phát từ tình yêu hay vụ lợi, những mối tình đó đều vương phải sự phản ứng từ phía gia đình. Hạnh phúc được tạo nên từ sự không cân xứng đó không phải đơn giản.
Tự kỷ ám thị
Không ít cô gái lớn lên đều dệt mộng lấy chồng giỏi giang, đẹp trai lại giàu có. Tuy nhiên, không ai lấy được công tử cũng hạnh phúc trọn vẹn, nhưng có không ít chàng trai "lỡ" mang cái "mác" công tử con nhà giàu cũng khổ sở khi chinh phục nửa còn lại của mình.
Bảnh trai, giỏi giang, bố lại là giám đốc của một sở tại thành phố, Huy phải tốn rất nhiều công sức mới "cua đổ" Hoài - một cô gái lặn lội từ ngoài Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp. Yêu Huy chân thành nhưng Hoài khá dè dặt vì sợ "môn đăng hộ đối". Cô cũng phải chịu không ít điều tiếng rằng cô yêu Huy vì anh ta có một "cái mỏ" béo bở. Khi Huy đề cập đến chuyện cưới xin, Hoài phải mất ngủ nhiều đêm vì suy nghĩ và cân nhắc.
Đến nhà Huy, ba mẹ anh đều vui vẻ, cởi mở và thân thiện với con dâu tương lai. Họ tỏ ra quý mến cô gái trẻ nết na và giàu nghị lực. Công thêm tình yêu chân thành của Huy, Hoài chợt nhận ra, những lo lắng bấy lâu chỉ là do mình tự kỷ ám thị.
Dù ganh tị với Hoài nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng và sự đảm đang tháo vát của cô. Tuy mới chân ướt chân ráo và Nam, nhưng Hoài đã trở thành cánh tay phải cho chủ tịch một tập đoàn kinh doanh cà phê, không những giỏi trong công việc, Hoài cũng sành "tề gia nội trợ". Nấu nướng ngon và trình bày đẹp mắt các món ăn, Hoài khiến mẹ chồng vốn khó tính hài lòng. Vợ chồng trẻ sống hạnh phúc trong tình thương của cha mẹ.
Nhiều người may mắn gặp được người yêu giàu có nhưng không phải ai cũng giỏi giang, bản lĩnh như Hoài để nhận được sự ủng hộ của cha mẹ chồng. Nhiều người vì mặc cảm, vì sự chênh lệch lối sống, suy nghĩ... đã không thể dung hòa được. Tính là một trong những trường hợp như thế. Mặc dù đã cố gắng hòa nhập nhưng định kiến không thích con gái miền Tây của gia đình chồng, khiến Tính khốn đốn. Mỗi lần có dịp họp mặt cả nhà, Tính thui thủi một mình. Không ai nói chuyện, có chăng chỉ là những câu hỏi xã giao. Đã vậy chồng Tính lại vô tư, không chia sẻ đựơc những tâm tư, tình cảm của vợ. Cuộc sống của Tính ngột ngạt và buồn tẻ, dù chồng là con nhà tử tế và có địa vị.
Nhiều cô gái rơi vào trường hợp của Hoài và Tính nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực và can đảm để đối phó như Hoài. Phần lớn là trốn tránh, mặc cảm và hệ quả là ngày càng xa cách nhà chồng. Khi người trong một nhà không có tiếng nói chung thì hạnh phúc cũng trở nên méo mó và tội nghiệp. Người trong cuộc đã mệt mỏi vì phải chịu đựng nhau, hạnh phúc rạn nứt là điều khó tránh khỏi. Tự kỷ đã khiến cho nhiều "đôi đũa" vốn đã "lệch", càng trở nên trái dấu nhiều hơn. Nếu họ nhận ra và kịp thời điều chỉnh để có được sự thông cảm thì mới đảm bảo được cuộc sống dễ thở và hạnh phúc lâu dài hơn.