KTĐT - Liên Châu là xã có diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Thanh Oai với trên 100ha. Với thế mạnh này, hiện Liên Châu đang được thành phố Hà Nội đầu tư 40 tỷ đồng để quy hoạch, mở rộng vùng chuyên canh thủy sản.
Đồng trũng thành trang trại
Trong khi ở nhiều địa phương, ruộng đất của bà con nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ thì ở Liên Châu, việc dồn điền đổi thửa đã được tiến hành từ khá sớm. Ông Nguyễn Thành Biên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Liên Châu cho biết: Liên Châu có diện tích đất nông nghiệp là 421ha. Năm 2004, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi được 109,6ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Ngay sau khi chuyển đổi, HTX Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân xã và Chi cục thủy sản Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Tổng số có 94 hộ tham gia chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, trong đó 45 hộ thuộc thôn Châu Mai, 49 hộ thuộc thôn Trừ Châu. UBND huyện Thanh Oai cũng đã hỗ trợ 85 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường dẫn ra khu chuyển đổi.
Từ những cánh đồng trũng, bà con nông dân đã chuyển đổi thành các mô hình trang trại cá – vịt kết hợp với trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho thu nhập cao. Các giống thủy sản ở đây chủ yếu là: trôi, trắm, rô phi, trê… Cá được nuôi kết hợp bằng phương pháp truyền thống và công nghiệp, đồng thời thả xen canh để có thể cho thu hoạch nhiều lứa trong năm. Sau khi áp dụng mô hình chuyển đổi này, hiệu quả kinh tế của các hộ nông dân tăng lên rõ rệt. Bình quân thu nhập của mỗi hộ gần 100 triệu đồng/năm, trong đó hộ thấp cũng đạt 60 – 70 triệu đồng/năm. Một số trang trại làm ăn hiệu quả như trang trại của anh Lê Văn Trọng, anh Nguyễn Văn Huynh (thôn Trừ Châu). Đặc biệt, nhiều hộ còn rất năng động sáng tạo đưa các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng ở khu bờ bao, cho thu nhập đáng kể.
Ông Nguyễn Thành Biên cho biết: Theo ước tính của HTX Nông nghiệp Liên Châu thì hàng năm sản lượng thủy sản trên địa bàn xã đạt 500 tấn. Từ khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi thì hiệu quả kinh tế cao gấp hơn 2 lần so với trước đây. Ông Đào Quang Tiếp, Phó chủ nhiệm HTX cho biết thêm: HTX Nông nghiệp Liên Châu còn cung ứng một số dịch vụ cho nông dân yên tâm sản xuất. Hiện HTX đã đầu tư 14 máy cơ khí nông nghiệp để phục vụ nhu cầu làm đất, cày bừa của nông dân cả xã.
Xây dựng vùng thủy sản hàng hóa
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thanh Oai cho biết: Liên Châu là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Kết quả chuyển đổi trong 5 năm vừa qua đã cho thấy nhiều bước tiến đáng kể. Vì vậy, huyện cũng đã có quy hoạch Liên Châu thành vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện.
UBND TP Hà Nội cũng vừa phê duyệt Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2009 – 2015, định hướng đến năm 2020 trong đó xây dựng, quy hoạch vùng nuôi thả tập trung ở những huyện có tiềm năng chuyển đổi lớn; đầu tư hạ tầng đồng bộ, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, diện tích thủy sản của Liên Châu được xây dựng sẽ là 200ha. Hiện TP Hà Nội đã xây dựng đề án hỗ trợ 40 tỷ đồng cho Liên Châu để xây dựng khu điểm về nuôi cá nước ngọt cung cấp cho thị trường Thủ đô. Trong đó tập trung vào các hạ tầng cơ sở: đường giao thông nội đồng, trạm bơm, trạm điện, mương máng. UBND xã Liên Châu cũng đang dự trù kinh phí 250 triệu đồng do huyện, xã hỗ trợ và từ nguồn đóng góp của người dân để xây dựng bờ vùng, bờ bao và hệ thống kênh mương.
Tuy nhiên để phát triển thủy sản vẫn còn khá nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thành Biên, khó khăn lớn nhất của bà con nuôi trồng thủy sản hiện nay là thiếu vốn. Vì vậy bà con nông dân mong muốn có chính sách hỗ trợ, vay vốn với lãi suất thấp để xây dựng trang trại theo lối hiện đại. Đồng thời “khai thông” đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, kiến thức của người dân về quản lý môi trường nước, phòng trừ dịch bệnh vẫn còn hạn chế; nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản ở Liên Châu hiện vẫn chưa được cải tạo.