Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện cây xanh trên phố

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhdothi - Để hoàn thành đường Vành đai 3, phải cải tạo một đoạn đường Phạm Văn Đồng.

Để hoàn thành việc cải tạo này, phải di dời, chặt hạ trên 1.300 cây xà cừ trồng từ những năm chín mươi, có đường kính hiện nay từ 30 - 40 cm đến 100 cm trên dải ngăn cách. Rút kinh nghiệm lần trước (lần dự kiến thay 1.650 cây xà cừ trong nội đô), thành phố mang điều này xin ý kiến Nhân dân.

Lập tức, các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài nước tìm được chủ đề “hot”. Truyền thông nước ngoài còn nhân cơ hội này làm to chuyện, khích bác chuyện dân chủ, nhân quyền của chế độ ta. Đã thế, trong dịp này, ai đó còn thông tin sẽ thay cây quanh hồ Gươm khiến dân càng hoang mang.

Chuyện cây xanh trong thành phố là vấn đề môi trường công cộng. Đã là môi trường đô thị thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền thành phố. Chính quyền thành phố làm tốt, dân được nhờ, chính quyền thành phố làm không ra gì, dân chịu khổ. Đến dịp bầu cử hay hết nhiệm kỳ, chính quyền sẽ phải trả lời dân. Thái độ đồng tình hay phản đối của dân thể hiện bằng lá phiếu. Đó là dân chủ chứ không phải dân chủ là việc gì cũng phải hỏi dân, dân bằng lòng mới được làm, còn không thì việc đâu để đó. Nhìn ra trên thế giới, ngay Singapore là nước luôn được báo chí ca ngợi về nếp quản lý xã hội, thậm chí cho rằng vì quản lý xã hội giỏi, Singapore mới phát triển, cũng đại loại như thế. Nhìn vào thủ đô của Singapore bạt ngàn cây xanh, được trồng khoa học chỉ có lời khen ít tiếng chê. Mà họ có hỏi dân lời nào đâu? Đến thực dân Pháp khi trồng cây ở Hà Nội có phải hỏi dân lời nào đâu mà phố Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Du… đẹp thế.

Chuyện cây xanh thành phố là chuyện kinh tế. Do không có tiền, do tự tin quá đáng, cứ màu xanh che phủ phố phường là được, một lúc nào đó, ta đã trồng xen, trồng lấn, phá hỏng cả cấu trúc cây xanh trên mỗi phố, mỗi quận và cả thành phố. Đến bây giờ có tiền hơn, chất lượng cây xanh đòi hỏi cao hơn thì thay dần cây xanh là phục thiện, là điều tất nhiên. Nhưng với một số người, nhất là chuyện môi trường, cái gì đã có đều tốt, đều không thể thay đổi. Cứ tự hào là Hà Nội nhiều cây xanh nhất thế giới, trong khi ta chỉ có 2,2m2/đầu người, nhiều nước gấp gần chục lần ta. Cứ cho cây xanh ngang nhiên gãy đổ, đè chết người và đè bẹp xe cộ phía dưới, rễ ăn nông cày nát đường, lá rụng quanh năm không kịp quét dọn nhưng đã cây xanh lá tốt, không được động đến. Cứ cho tốn tiền và nguy hiểm (một cây xà cừ mỗi năm phải tốn chừng 30 triệu đồng để tỉa cành, cưa tán qua mùa mưa bão) nhưng không được thay đổi hiện trạng… Ngay các cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng cũng không được chặt bỏ, phải đào gốc, chặt cành, di dời sang chỗ khác dù không biết trồng lại vào đâu (để di dời, mỗi cây phải tốn 40 triệu đồng).

Nghĩa là nếu dân được quyền thì đòi bằng được, dù điều đòi ấy có bất chấp đạo lý đến đâu. Còn chính quyền thì cứ thấy ý kiến dân là đúng, phải nghe thì mới yên. Đấy là lối sống vô chính phủ, coi thường pháp luật, một tệ nạn xưa cũ nơi làng xã “quan có cần nhưng dân chẳng vội. Quan có vội quan lội quan sang” cần loại bỏ. Và về phía chính quyền, không phải cứ chiều theo dân mới là dân chủ. Dân chủ là mang lại lợi ích cho đại đa số dân, càng nhiều càng tốt.