Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện chế độ, thưởng Tết cho VĐV: Mong “tiếng”xuân về

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách Tết có mấy ngày, nêu câu hỏi với những VĐV đoạt thành tích cao ở SEA Games: “Mong đợi điều gì nhất khi xuân về”. Tất cả đều cười một cách khá tinh nghịch rằng: Chúng em chờ tiếng chuông “ting… ting” báo mùa xuân về.

Cứ tưởng sau khi có thành tích cao thì tất cả đều “bỗng nhiên lãng mạn”. Hóa ra không phải như vậy, “ting… ting” là tiếng chuông báo tin nhắn: Tiền thưởng SEA Games đã vào tài khoản. Điều mong chờ của những VĐV là rất thực tế: sau một năm vất vả, bây giờ là lúc chờ… tiền thưởng.

Được thưởng hơn 200 triệu lại chỉ mong ăn thịt vịt

Thông tin mới nhất từ phía Tổng cục TDTT thì phần lớn khoản tiền thưởng cho các VĐV đã được giải ngân. Theo tính toán từ phía ngành thể thao, với số lượng huy chương ở SEA Games thì khoản tiền thưởng sẽ rơi vào khoảng 19 tỷ đồng chỉ riêng cho các VĐV, các HLV cũng được hưởng tương tự nhưng phải chia (HLV đội tuyển hưởng 60%, HLV ở cơ sở hưởng 40%). Như vậy, tổng quỹ thưởng cho SEA Games rơi vào khoảng 30 tỷ đồng. Trước Tết Nguyên đán, lãnh đạo ngành thể thao như ngồi trên đống lửa: SEA Games kết thúc quá cận năm, số tiền thưởng vượt quá dự chi, đoàn thể thao khuyết tật Paragames phải sang năm 2014 mới thi đấu nên có thể riêng tiền thưởng cho người khuyết tật nhiều khả năng phải sau Tết.
Chuyện chế độ, thưởng Tết cho VĐV: Mong “tiếng”xuân về - Ảnh 1
Ngày Tết đến, ai chẳng mong có được khoản tiền thưởng - đó là thành quả sau một năm đầy vất vả. Người thì dự kiến sửa lại cái nhà, người thì mong đưa về cho bố mẹ một chút đỡ đần ngày Tết, người thì không dám tiêu nhiều vì cần phải tiết kiệm để phòng sau này nhỡ chấn thương…

Và như thế, tiếng “ting… ting” êm ái từ điện thoại báo tiền thưởng đã được chuyển vào tài khoản cá nhân chẳng khác nào tiếng của mùa xuân. Văn Ngọc Tú được thưởng không nhiều, chỉ 45 triệu đồng cho chiếc HCV môn Judo nhưng cô tính sẽ ra ngân hàng rút ngay để đưa về cho bố. Bố Tú hiện đang phải điều trị ung thư, cứ ba tháng phải xạ trị một lần, rất tốn kém. Chính vì gánh nặng gia đình mà Tú phải nằng nặc xin đi khỏi Gia Lai để đầu quân cho một địa phương ở phía Bắc với một khoản lót tay và mức lương kha khá. Trước khi đi SEA Games, Văn Ngọc Tú - người đã có 4 HCV, 1 HCB SEA Games khẳng định là sẽ đoạt HCV. “Vì em và vì ba em nữa. Năm nay sẽ là một năm thật vui của gia đình”. Đồng đội của Tú là võ sĩ Như Ý cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt, chồng đầu tiên mất vì bệnh, người chồng thứ hai do bênh mẹ đánh người mà phải vào tù, Như Ý phải chạy đi vay từng đồng để nuôi con nhỏ. Chính vì thế khi được gọi vào đội tuyển để dự SEA Games, Như Ý quyết tâm là sẽ đoạt huy chương để lấy tiền mua sữa cho con. Hơi tiếc một chút, Như Ý chỉ đoạt HCB nhưng ngay ở những ngày thi đấu SEA Games, Như Ý cũng được các đồng đội, các thầy gom một chút cho bé con ở nhà.

Tuy nhiên, với một số VĐV tiền thưởng đến sớm hay muộn cũng không quá quan trọng vì họ đang tập huấn xa nhà. Nữ VĐV Ánh Viên vừa trở thành VĐV tiêu biểu toàn quốc 2013 chắc chắn sẽ không được đón Tết cùng gia đình.

Ngay sau khi trở về từ SEA Games, Ánh Viên đã gần như lập tức phải sang Mỹ tập huấn. Quy trình huấn luyện bắt đầu từ đầu 2014, không thể tự ý lùi lại. Trước khi lên đường tập huấn, Ánh Viên có tâm sự rằng: “Em thường xuyên phải xa nhà vào các dịp lễ, Tết. Những lúc như thế, em rất mong được ăn món vịt rang gừng mà mẹ hay nấu ngày Tết. Ở bên Mỹ, vịt không bán trong các siêu thị, thầy thường mua gà về nấu cho em đỡ nhớ nhà”. Với khoản tiền thưởng rất lớn, 235 triệu với thành tích 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ phá kỷ lục nhưng Ánh Viên chỉ muốn “bố mẹ cất hộ” vì em chưa có nhu cầu tiêu gì. Hiện Ánh Viên đang nhận lương sĩ quan, cô bé 17 tuổi này vừa được đặc cách trở thành thượng úy và trở thành sỹ quan trẻ tuổi nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hy vọng xuân về nhiều hơn

Hơi buồn một chút là những khoản thưởng của các HLV có lẽ phải chờ sau Tết mới được giải ngân. Tương tự, đoàn Thể thao khuyết tật cũng phải chờ dù ngành thể thao đang cố gắng tạm ứng để các thành viên của đoàn khỏi… tủi.Nhiều người nhìn vào con số hơn 200 triệu đồng của Ánh Viên sẽ cho rằng, chế độ của các VĐV đã được cải thiện. Trên thực tế, mức thưởng cho các huy chương ở các giải thể thao khu vực là 45 triệu cho HCV, 25 triệu  HCB và 20 triệu HCĐ vẫn còn là khá thấp và chưa phản ánh hết công sức mà các VĐV đã bỏ ra cho cả năm trời. Vì thực tế, nhiều VĐV ở một số môn “chỉ có hy vọng” ở đấu trường SEA Games.
Chuyện chế độ, thưởng Tết cho VĐV: Mong “tiếng”xuân về - Ảnh 2
Nhưng cũng có ý kiến khác, rằng thể thao Việt Nam không chỉ có SEA Gmes mà còn nhiều giải khác, nếu nâng mức thưởng lên thì quỹ thưởng vốn đã rất… hạn hẹp có thể sẽ không đáp ứng nổi.

Tuy nhiên, đầu năm 2014 có một thay đổi về chế độ đối với các VĐV đỉnh cao. Kể từ ngày 15/2 tới, các VĐV, HLV xuất sắc sẽ nhận được một số chế độ đặc thù. Cụ thể, các HLV và VĐV xuất sắc sẽ được hưởng chế độ ăn 400.000 đồng/ngày khi tập huấn trong nước. Trước đó, các HLV, VĐV chỉ được hưởng chế độ ăn 200.000 đồng/ngày. Còn thời gian chuẩn bị trước các kỳ Đại hội khu vực và châu lục (khoảng 2 - 3 tháng), các HLV, VĐV cũng chỉ nhận mức tiền chế độ ăn là 300.000 đồng/ngày. Ngoài ra, các HLV và VĐV không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sẽ được hưởng chế độ tiền công là 500.000 đồng/ngày với HLV và 400.000 đồng/ngày với VĐV. Các đối tượng được hưởng chế độ này bao gồm: Vận động viên xuất sắc là người Việt Nam, được triệu tập tập huấn chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), tham dự vòng loại và tham dự Đại hội thể thao Olympic (Olympic Games), tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Paralympic (Paralympic Games). HLV xuất sắc là người Việt Nam, trực tiếp huấn luyện VĐV.

Đây được cho là những điều chỉnh cần thiết để các VĐV không “dài cổ” chờ tiếng “ting… ting” báo hiệu mùa xuân khi mà chính họ phải nhận nhiệm vụ đi tìm mùa xuân cho thể thao Việt Nam.q