Hà Nội hôm nay là một đô thị hiện đại với hàng trăm cao ốc, những cây cầu vắt qua sông Hồng, những cây cầu vượt trên phố, cầu hầm xuyên qua đại lộ,… Hà Nội hôm nay sôi động đến vội vàng trong từng nhịp thở, bước đi, bởi trong cái xốn xang mang tên đô thị hóa ấy, ngày ngày những dòng ô tô, xe máy cứ nối đuôi nhau bò trên các cung đường, nhẫn nại đợi chờ mỗi khi ùn tắc trong khói xăng và hơi nóng tỏa ra từ động cơ…
1. Đô thị hóa đã biến một đô thị rộng khoảng 130km2, dân số ước 350 ngàn người vào năm 1955, thì nay, sau ngày 1/8/2008, Hà Nội đã trở thành 1 trong 17 TP lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 3.324,92km2, dân số gần 10 triệu người. Những tòa cao ốc san sát nhau trong TP, những cung đường đỏ rực đèn xe mỗi buổi chiều tà là hiện thân cho tốc độ và sức nóng của đô thị hóa nơi Hà thành.
Câu chuyện tắc đường, ùn ứ giao thông trên các tuyến phố, nhất là cửa ngõ vào nội đô, thậm chí ùn ứ, tắc thang máy cả ở các tòa nhà vào giờ cao điểm, trước đây chỉ nghe ở đâu đó xa xăm, thì nay với người Hà Nội, đã thành “lẽ thường” trong guồng quay hối hả ấy…
Đô thị hóa chuyên chở theo nó hàng tá vấn đề khi dân số cứ tăng theo cấp số nhân. Còn nhớ thời điểm chuẩn bị mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (năm 2008), Hà Nội mới có 4 triệu người, nhưng 10 năm sau đó (năm 2018), dân số Hà Nội đã lên tới hơn 7,7 triệu người (mỗi năm tăng 200.000 dân) với hơn 5,4 triệu xe máy, gần 540.000 ô tô các loại, 10.000 xe đạp điện, gấp 3 lần so với năm 2008. Hà Nội bây giờ đã trở thành một siêu đô thị về mặt dân số theo đúng nghĩa đen, khi số lượng dân cư chính thức trên 8 triệu và có thể lên trên 10 triệu nếu tính cả số lượng vãng lai.
Người ta đã thống kê, hiện cứ mỗi tháng Hà Nội lại tăng 27 ngàn phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy). Dù đã rất cố gắng với nguồn lực đầu tư hàng tỷ USD bằng các nguồn khác nhau để cải tạo, mở rộng và xây mới một hệ thống 4.000km đường giao thông đô thị với các đường phố, đại lộ xuyên tâm, các đường vành đai 2, 3, 4 kết nối… nhưng do thiếu hệ thống phương tiện giao thông công cộng tiện dụng nên hệ thống đường giao thông hiện đại kia vẫn không “tải” nổi nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân của người đô thành.
Vậy là tắc nghẽn giao thông trở thành chuyện “cơm bữa”, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi khi phải ra đường, trở thành “đặc sản” của khách du lịch quốc tế đến Hà Nội…; nhưng cũng trở thành “thói quen” trong tiềm thức của người đô thị để mỗi khi đi đâu đó, người ta phải tính cả thời gian tắc đường mới không bị trễ hẹn. Và tắc nghẽn giao thông cũng đã gây ra hậu quả rất lớn về ô nhiễm môi trường, về tai nạn giao thông, làm thiệt hại cho TP mỗi ngày tới 41 tỷ đồng…
2. Giao thông đô thị với những hệ lụy phát sinh từ đó là câu chuyện không bao giờ cũ trong quá trình đô thị hóa - một bài toán luôn khiến các nhà quản lý phải đi tìm lời giải mới tương đồng với những đổi thay diễn ra từng ngày. Thời gian gần đây, nỗi lo lắng của người Hà Nội lại thêm bội phần khi ẩu đả từ những va chạm tưởng chừng rất nhỏ trên đường phố lại liên tục xuất hiện. Điểm lại sơ sơ những vụ việc xảy ra trong nội đô cũng đủ thấy nỗi lo ấy không vô cớ.
Va chạm trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) khiến người lái xe ô tô và một thanh niên cự cãi, rồi dùng tuýp sắt đuổi đánh nhau trên đường; va chạm trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) khiến hai thanh niên mặt đỏ phừng phừng lao vào đánh nhau như hai cascadeur (diễn viên đóng thế) trên trường quay.
Cả hai chỉ dừng lại khi một người đánh rơi điện thoại và có người đi đường đứng ra can ngăn; va chạm trên cầu vượt Tây Sơn (quận Đống Đa) khiến người đàn ông lái xe Mercedes liên tục tát và đạp vào người cậu sinh viên đi xe máy…
Va chạm giao thông là điều chẳng ai mong muốn, nhưng thay bằng lời xin lỗi, bằng cái bắt tay cảm thông, thì dường như sự va chạm đó lại là nguồn cơn để người ta thể hiện những hành vi, lời nói thiếu văn hóa. Phải chăng sức nóng của động cơ phả ra giữa dòng người như nêm trên đường phố khiến người ta không giữ nổi bình tĩnh???
Có người lắc đầu “Thanh niên giờ manh động quá!”, có người khảng khái “Chuyện bé xé ra to”… Những người có chút suy tư thì nói rằng, đó là câu chuyện của văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử - một câu chuyện kể mãi không hết và chưa bao giờ cũ nơi Hà thành trong buổi đô thị hóa và hội nhập văn hóa.
Đúng thế thật, bởi văn hóa giao thông bao lâu nay vẫn cứ như cột đèn giao thông, chuyển màu báo hiệu liên hồi nơi các ngã tư; như hồi còi báo động, liên tục gióng giả trong xã hội mỗi khi ẩu đả vì va chạm xảy ra trên đường phố. Chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông, nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu nằm ở ý thức, ở nhận thức của người trong cuộc về hành vi, về ứng xử và về văn hóa giao thông.
Thế mới thấy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Ban Thường vụ Thành ủy có hẳn Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”;
Vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội…
3. Ai đó tiếc nuối mãi một Hà Nội “đường giăng mắc cửi, phố ô bàn cờ” mà cứ thong dong đi về không vướng bận chuyện ùn tắc thuở xưa. Ai đó mãi hoài niệm về những tiếng “leng keng… leng keng” của chuyến tàu điện sớm trưa - phương tiện giao thông công cộng duy nhất của Hà Nội đầy thương nhớ năm nào.
Hoài niệm luôn đẹp vì là một dấu ấn của ký ức bình yên và tươi đẹp của một Hà Nội bình yên, trầm mặc rêu phong. Nhưng đô thị hóa, tái thiết đô thị lại là một hành trình mang tính thời đại để đưa Thủ đô đến đích “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đưa người Hà Nội đến đích Thanh lịch - Văn minh, sánh vai với Thủ đô của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cũng từ hoài niệm phố xưa và tiếng leng keng tàu điện năm nào cho người đương thời thấy sức sống của phương tiện giao thông công cộng và sự cần thiết phải phát triển hệ thống giao thông công cộng để giảm tải phương tiện cá nhân trên các cung đường.
Chính hoài niệm tươi đẹp ấy cũng cho người đương thời thấy rằng, câu chuyện văn hóa giao thông chưa bao giờ cũ, dù trong đám đông nghẹt thở vì khói xe, dù trong những tháng ngày đợi chờ một hệ thống giao thông công cộng tiện dụng… chỉ cần mỗi người trong chúng ta biết kiềm chế hành vi, kiềm chế lời nói, biết cảm thông khi không may xảy ra va chạm trên đường, thì chắc chắn, dù có hối hả đến vội vàng, các cung đường sẽ luôn bình yên như thuở “Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp/Dịu dàng đậm chất thơ”.