Chuyến công du Mỹ giúp ông Zelensky củng cố hy vọng lật ngược thế cờ

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có ý nghĩa với Kiev hơn bao giờ hết.  

Thông tin được trông đợi nhất cho Ukraine được đưa ra vào ngày 21/9 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết những chiếc xe tăng Abrams đầu tiên do nước này sản xuất sẽ đến Ukraine vào tuần tới.

Đây được xem là đợt chuyển giao vũ khí quan trọng khi lực lượng Ukraine đang gặp khó trong các cuộc phản công nhằm lấy lại thế cân bằng với lực lượng Nga.

Những chiếc xe tăng Abrams tối tân của Mỹ đang được kỳ vọng chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Nhân dịp này, Mỹ cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine.

Xe tăng Abrams của Mỹ khai hỏa trong cuộc tập trận chung gần Tbilisi, Georgia, năm 2016. Nguồn: Al Jazeera
Xe tăng Abrams của Mỹ khai hỏa trong cuộc tập trận chung gần Tbilisi, Georgia, năm 2016. Nguồn: Al Jazeera

Xe tăng Abrams được xem là tối tân bậc nhất và có những ưu thế vượt trội so với xe tăng Liên Xô hiện đang được cả quân đội Nga và Ukraine sử dụng.

Theo cam kết ban đầu của Washington, 31 xe tăng chiến đấu Abrams sẽ được chuyển đến Kiev vào đầu năm nay. Tuy nhiên, thời gian chuyển giao loại vũ khí này đã được Lầu Năm Góc lùi sang cuối năm 2023 sau nhiều khó khăn như: không đảm bảo công tác hậu cần khi chuyển giao linh kiện, nhiên liệu và đạn dược.

Trả lời Al Jazeera, Sydney Freedberg, biên tập viên của tạp chí Breaking Defense, cho biết do tần suất sử dụng xe tăng Abrams trên khắp châu Âu là rất ít, Ukraine có thể sẽ gặp khó khăn tìm mua phụ tùng thay thế, kho bãi hay các đợt bảo trì lớn. Thêm vào đó, loại xe tăng này rất khó vận hành.

Vào tháng trước, người phát ngôn của Quân đội Mỹ tại châu Âu và châu Phi, Đại tá Martin O'Donnell, cho biết quân đội Ukraine đang hoàn thành giai đoạn huấn luyện cuối cùng để vận hành xe tăng Abrams.

Xe tăng Abrams đến Ukraine vào tuần tới sẽ được trang bị đạn uranium nghèo xuyên giáp 120mm, loại đạn gây tranh cãi vì mức độ nguy hiểm, có thể gây ung thư và dị tật bẩm sinh.

Alex Gatopoulos, chuyên gia quốc phòng của Al Jazeera, cho biết xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới nhất, như xe tăng Abrams và xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, có thể giúp Ukraine chọc thủng các tuyến phòng thủ chắc chắn của Nga, điều khiến các cuộc phản công của quân đội Kiev gặp nhiều khó khăn.

Xe tăng Abrams có thể sẽ đến vào thời điểm quan trọng trong cuộc phản công.

Đồng quan điểm, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW cũng lạc quan với khả năng những chiếc xe tăng bọc thép của Kiev sẽ vượt qua được hệ thống phóng thủ chắc chắn của Moscow.

Gói viện trợ quân sự mới nhất từ Mỹ

Ngoài xe tăng Abrams, gói viện trợ quân sự mới được ông Biden công bố còn có tên lửa phòng không, đạn dược cho bệ phóng tên lửa HIMARS, vũ khí chống tăng và đạn pháo.

Ngoài ra, Washington còn gửi đến đạn 155mm có chứa bom chùm, vũ khí gây nhiều tranh cãi do mức độ hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, Mỹ cho biết họ nhận được đảm bảo từ Kiev về việc hạn chế tối đa rủi ro mà loại vũ khí nguy hiểm này có thể gây ra đối với người dân, trong đó bao gồm cả việc không sử dụng vũ khí ở các khu vực đông dân cư.

Tuy nhiên, gói viện trợ này sẽ không chứa tên lửa ATACMS tầm xa với tầm bắn lên tới 300km dù Ukraine vẫn luôn mong muốn có được vũ khí này.

Đáp lại sự trợ giúp từ Mỹ, ông Zelenskyy cho biết đây chính là những thứ mà quân đội Ukraine cần.

Vị tổng thống này cảm ơn Mỹ đã tăng cường phòng không cho Ukraine trước mùa đông sắp tới. Ông cũng nhấn mạnh biết ơn về sự hỗ trợ của Washington trong suốt hơn 2 năm xung đột.