Chuyện cũ viết lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh David Cameron đã gửi tới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) công khai 4 yêu cầu của mình như những điều kiện mà nếu EU đáp ứng thì nước Anh mới tiếp tục ở lại trong khối.

Nghe qua, thiên hạ và đặc biệt là cử tri trên đảo quốc này không thể không có ấn tượng là không phải EU buộc nước Anh, chính phủ Anh và cá nhân ông Cameron phải thay đổi theo kiểu “nhập EU thì nước Anh phải tuân thủ tập tục chung của EU”, mà nước Anh và ông Cameron đã buộc EU phải thay đổi cũng như việc thay đổi không chỉ có lợi cho nước Anh mà còn và trước hết cho liên minh nói chung và mọi thành viên của EU nói riêng. Ông Cameron coi lần dền dứ này với EU là sự biểu hiện cho tính độc lập, tự chủ và nét đặc thù của nước Anh trong EU.
Chuyện cũ viết lại - Ảnh 1
Trong thực chất thì ông Cameron lại một lần nữa dùng bình mới để đựng rượu cũ, lại một lần nữa dùng ngôn từ và cấu trúc khác để viết lại chuyện cũ. Trong 4 điều kiện mà ông Cameron vừa nêu ra cho EU thì có 3 hoàn toàn không có gì mới, được ông Cameron tuyên cáo đã lâu và EU không lạ lẫm gì. Chúng thậm chí còn đã được đề cập và đáp ứng về cơ bản trong luật pháp hiện hành và các quy định hiện có trong EU. Chỉ riêng điều kiện thứ 4 liên quan đến người tỵ nạn và nhập cư là mới vì vấn đề người tị nạn và nhập cư thật ra cũng mới thách thức EU trong thời gian gần đây. EU chưa biết phải giải quyết nó như thế nào cho thật sự ổn thỏa và lâu bền, nhưng dù có thế nào thì nó cũng không hẳn đến mức không thể thương thảo được giữa EU và Anh.

Cho nên, mục đích thật sự của ông Cameron không phải nhằm vào EU mà nhằm vào cử tri trên đảo quốc và bộ phận bất đồng quan điểm trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Ông Cameron muốn tạo hình ảnh cá nhân có thần có thế trong EU, có đủ khả năng làm EU chịu khuất phục chứ không phải ngược lại, vì thế nước Anh không cần phải ra khỏi EU. Trong thâm tâm, ông Cameron ý thức được rằng chỉ trong EU thì nước Anh mới có tương lai, cũng như EU không dám và không thể để Anh tự ý ra khỏi hàng ngũ thành viên.