Chuyện của chàng ca sĩ lạc mẹ hát nhạc cách mạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 20 năm nay, chưa từng được gọi tiếng “mẹ ơi”, chàng sinh viên khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã khóc rất nhiều khi thể hiện bài hát “Mẹ” (nhạc Phạm Long, thơ Đoàn Ngọc Thu).

Thành Chung lên 7 tuổi, mẹ anh bỏ 3 bố con anh đi lưu lạc, chưa bao giờ trở lại. 20 năm nay, chưa từng được gọi tiếng “mẹ ơi”, chàng sinh viên khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã khóc rất nhiều khi thể hiện bài hát “Mẹ” (nhạc Phạm Long, thơ Đoàn Ngọc Thu).
 
Chuyện của chàng ca sĩ lạc mẹ hát nhạc cách mạng - Ảnh 1
Có lẽ vì vậy DVD “Quê hương là mẹ” không chỉ có ý nghĩa album chào mừng 70 năm Ngày cách mạng tháng Tám thành công, mà còn in dấu ấn cảm xúc đáng nhớ trong cuộc đời người ca sĩ. Thành Chung được coi là một trong những học trò cưng của NSƯT Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Anh thuyết phục được NSƯT Quốc Hưng nhận làm học trò không phải bởi một gia cảnh nghèo khó, mà chính ở chất giọng nam trung đầy nam tính. Chính vì vậy, anh được người thầy hướng đến việc thể hiện các bài hát cách mạng trữ tình nổi tiếng như: “Khát vọng”, “Thời hoa đỏ”, “Mẹ”, “Trở về dòng sông tuổi thơ”…

Để làm một album với chi phí trên 300 triệu đồng hẳn là quá sức với chàng sinh viên năm thứ 3 hệ đại học chính quy. Nhưng rất may mắn cho Chung, khi anh được sự ủng hộ hết mình của em trai, cũng là “đại gia” đầu tư album “Quê hương là mẹ”. Thành Chung tâm sự: “Tôi ra album không phải để thành nổi tiếng, cũng không kỳ vọng thu hồi vốn, mà chỉ lưu lại dấu ấn âm nhạc của mình. Biểu diễn ca hát chỉ bổ trợ cho con đường giảng dạy tôi lựa chọn sau này”.

27 tuổi, cái tuổi không hề trẻ với cuộc đời người ca sĩ, nhưng cũng không phải quá nhiều trải nghiệm vì không được sống trong thời kỳ chiến tranh để hát nhạc cách mạng. Thế nhưng, rất may mắn cho Thành Chung, anh có người cha đã từng là người chiến sĩ tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc tại tỉnh Hà Giang, năm 1979. Trong MV “Mẹ”, chính bố Chung đã nhập vai cha đi bộ đội. Dù là diễn viên “bất đắc dĩ”, nhưng ông đã nhập vai rất nhuyễn, bởi vì được diễn tả lại chính cảm xúc của người lính. Hơn thế nữa, có lẽ người cha hết lòng vì các con, từng phải bán nhà để lo cho con ăn học, thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau của đứa con cả đời không có bàn tay chăm sóc của người mẹ. Ông thắt lòng nhìn con hát ca khúc “Mẹ”, cất cao hai tiếng mẹ ơi, mẹ ơi mà nước mắt cứ tuôn dòng.

“20 năm chưa từng được gọi tiếng “mẹ ơi”, đó là nỗi buồn chất chứa trong lòng của Thành Chung và người em Tiến Dũng. Gia đình chúng tôi đã từng cất công đi tìm mẹ nhiều lần, lý giải lý do ra đi mà không để lại thông tin, hay một lần quay lại tìm chồng và con của mẹ, nhưng đã không thành. Thế nhưng, với tôi cảm xúc về mẹ trong những năm tháng tuổi thơ vẫn vẹn nguyên” - Thành Chung chia sẻ.

DVD “Quê hương là mẹ” có thể được coi là rất thành công cả về phần nhạc và phần hình ảnh. Tuy là những ca khúc cách mạng trữ tình quen thuộc, nhưng đã được các nhạc sĩ Phúc Tường, Tuấn Đạt phối khí mới mẻ, tươi trẻ hơn so với các bản phối trước đây. Các cảnh quanh trong DVD mang đậm nét mái nhà, con sông cánh đồng của các vùng quê Việt. Ekip đã dùng nhiều kỹ thuật toàn cảnh để toát lên vẻ đẹp vốn có. Đây là album nhạc cách mạng hiếm hoi của các ca sĩ trẻ ra mắt đúng dịp chào mừng 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần